1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ thí điểm khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ được thực hiện tại các vùng có mức sinh thấp, không phải trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. 

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ được thực hiện tại các vùng có mức sinh thấp. Điều này đồng nghĩa sẽ bãi bỏ quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên. 

Mục đích của chính sách này là nâng mức sinh, hay nói cách khác là điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con.

Sẽ thí điểm khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi - 1

Hiện nay có 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp. Ảnh minh họa: Hồng Hải.  

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ ba”, BS Phương nhấn mạnh.

Cụ thể, trước đây nhiều địa phương thường đặt tiêu chí về dân số kế hoạch hóa gia đình là “các thôn, xã, làng bản, huyện... không có người sinh con thứ ba trở lên”. Từ nay, những tiêu chí này cần được bỏ để không tạo tâm lý cho người dân rằng nhà nước đang thực hiện chính sách giảm sinh. 

Theo BS Phương, các địa phương có chính sách thí điểm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình. Những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn sẽ bị tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng.

Tuy nhiên, trong chương trình, Chính phủ giao các địa phương phân tích thực tế để áp dụng thí điểm các biện pháp trên cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá để đưa ra những quyết sách chính thức. 

“Những chính sách này chỉ áp dụng ở nơi có mức sinh thấp, không phải trên toàn quốc. Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con. Khẩu hiệu vẫn là ‘Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt’”, BS Phương nhấn mạnh.

Nơi có mức sinh thấp, thanh niên thường kết hôn muộn, sinh con muộn

Phân tích số liệu thống kê kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm về nhân khẩu học cho thấy thực tế là địa phương mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm, từ 20 đến 24 tuổi. Nơi mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, từ 25 đến 29 tuổi.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình này.

Về sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ. 

“Vì vậy, chúng tôi khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35. Mục đích là thanh niên trước tuổi 30 kết hôn, sau đó sẽ sinh con, để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp”, BS Phương nói.

Khó "vực dậy" khi mức sinh đã xuống quá thấp

Việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.

“Chúng tôi vẫn hy vọng chương trình sẽ có kết quả tốt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước thành công trong việc đưa mức sinh cao xuống thấp. Tuy nhiên, chưa có nước nào thành công khi đưa mức sinh thấp lên cao”, BS Phương cho biết.

Theo đó, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc..., khu vực châu Âu, dù đã đầu tư rất nhiều cho việc khuyến khích sinh đẻ vẫn không thể làm tăng mức sinh.

Việt Nam đã nhìn thấy trước những vấn đề đó và thực tế đang có xu thế như vậy. Với các giải pháp can thiệp sớm, chúng ta có thể tránh được vết xe đổ như nhiều nước, là để mức sinh xuống thấp, không thể đưa trở lại mức sinh thay thế.

Qua nhiều nghiên cứu, các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới cũng đã khẳng định độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Ở độ tuổi 20 – 24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.

Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Hiện nay có 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Nam Phương