1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ tăng 2 - 7 lần viện phí vào tháng tới

(Dân trí) - Đợt điều chỉnh viện phí dự kiến áp dụng từ ngày 15/11 tới đây với hơn 1.800 dịch vụ y tế điều chỉnh giá sẽ có mức tăng trung bình từ 2 - 7 lần so với giá viện phí áp dụng hiện nay.

Tăng mạnh giá khám, ngày giường

Tại cuộc họp chia sẻ thông tin với báo giới ngày 26/10, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dự thảo Thông tư về tăng viện phí đã được hoàn thành, dự kiến ban hành ngày 15/11 tới đây.

Theo đó, đợt điều chỉnh giá dịch vụ lần tính này theo nguyên tắc lấy mức giá tối đa quy định ở Thông tư về viện phí số 03 (năm 2006) và 04 (năm 2012) làm giá tính đủ 3 yếu tố trực tiếp, cộng thêm yếu tố thứ 4 là lương theo ngạch bậc, tính theo mức lương cơ sở, các loại phụ cấp đặc thù của ngành y tế.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá được thực hiện gồm 2 lộ trình. Cụ thể giai đoạn từ 15/11 năm nay đến hết tháng 2/2016 mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và điều chỉnh giá lần này chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT (đối tượng chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được áp giá cũ). Còn giai đoạn hai được thực hiện từ 1/3/2016 mức giá gồm cả tiền lương và sẽ được tính chung cho mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh.

Như vậy, sẽ có khoảng hơn 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá trong lần tăng này với mức tăng giá dịch vụ y tế mạnh, từ 2 - 7 lần so với hiện tại.

Giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo lộ trình, dần hướng tới tính đúng, tính đủ. Ảnh: Nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai). Ảnh: T.A
Giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo lộ trình, dần hướng tới tính đúng, tính đủ. Ảnh: Nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai). Ảnh: T.A

Có thể kể đến một số điều chỉnh điển hình như tiền khám bệnh điều chỉnh tăng gấp đôi so với hiện tại (hiện tiền khám bệnh viện hạng 1 là 20 nghìn đồng/lượt khám). Tương tự, tiền khám ở bệnh viện hạng 3, hạng 4 sẽ là 30.000 đồng/lượt khám thay cho mức hiện là 7.000 đồng/lượt.

Hay như với tiền giường hồi sức cấp cứu sẽ là 354.000 từ 15/11 và lên 680.000 đồng từ tháng 3/2016 thay cho mức hiện đang được áp là 335.000 đồng/ngày giường.

Đối với giường nằm ghép, ông Sơn cho biết vẫn tính theo Thông tư 04: 50% mức giá với ghép 2 và 30% cho nằm ghép 3.

Một số dịch vụ khác như rửa rạ dày sẽ lên 106.000 thay cho mức 30.000 đồng theo thông tư 03. Tương tự, lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận sẽ là 379.000 thay cho giá 300.000.

Trước đó, ở đợt điều chỉnh giá năm 2012, các bệnh viện tuyến Trung ương hầu hết đều áp dụng khung giá tối đa, nên người bệnh sẽ không thấy sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên, với những nơi đang phê duyệt mức giá dưới khung tối đa (các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện) sự điều chỉnh giá này sẽ là đáng kể.

Theo ông Sơn, sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế này là cần thiết, về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện thì nay được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Đến khi viện phí được cấu thành bởi 7 yếu tố thì đó là trả viện phí về giá đích thực của nó, không còn được bao cấp.

Giảm chi tiêu tiền túi dù tăng giá viện phí

Theo BHXH Việt Nam, dù viện phí điều chỉnh tăng giá, nhưng mức chi tiêu tiền túi của người bệnh sẽ giảm đi. Hiện nay, mức chi từ tiến túi hộ gia đình ở Việt Nam cho chăm sóc sức khỏe đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức cao (47%). Mục tiêu của Bộ Y tế là sẽ giảm số chi tiền túi của người dân xuống dưới 45% vào năm 2015 và dưới 40% vào năm 2020. Bởi theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ khi tỉ lệ chi từ tiền túi hộ gia đình dưới 30% mới đảm bảo được công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Việc điều chỉnh giá viện phí đến mức tính đúng, tính đủ sẽ giúp chi tiêu tiền túi của người bệnh giảm đi, thậm chí giảm mạnh dù giá dịch vụ y tế tăng.

Theo phân tích của ông Sơn, rõ ràng viện phí điều chỉnh tăng, mức cùng chi trả của người bệnh sẽ tăng. Tuy nhiên, vì giá viện hướng đến tính đúng, tính đủ nên tất cả các chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do quỹ BHYT chi trả. Lúc này, nếu bệnh viện còn bắt bệnh nhân mua các chi phí nằm trong kết cấu giá thì bệnh viện phải hoàn lại tiền cho bệnh nhân và chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế. Như vậy, mức đồng chi trả tăng lên nhưng người bệnh sẽ giảm được chi tiêu tiền túi cho những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh tăng giá viện phí và thực hiện đồng đều theo hạng bệnh viện không phân biệt ở tỉnh nào, dù đồng bằng hay miền núi (trừ dịch vụ giường và khám để đảm báo yếu tố về nguồn năng lực và nhân lực) sẽ khuyến khích bệnh viện tuyến dưới nâng cao trình do chuyên môn, đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh giữa miền núi và miền xuôi.

Ông Sơn lưu ý thêm, đợt áp dụng giá viện phí tới đây, 30% dân số chưa tham gia BHYT chưa bị ảnh hưởng do vẫn được áp giá cũ. Tuy nhiên theo lộ trình từ tháng 3/2016 sẽ áp dụng giá viện phí tính đủ 4/7 yếu tố chi phí cho cả người không có thẻ BHYT. Giá dịch vụ y tế về đúng mức, người bệnh không có thẻ BHYT sẽ rất khó khăn trong chi trả khám chữa bệnh. Vì thế, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích người dân mua thẻ BHYT, phấn đấu mục tiêu năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ BHYT bao phủ 80% dân số.

Hồng Hải