“Thúc” tăng viện phí để người dân mua thẻ bảo hiểm y tế

(Dân trí) - Sáng 12/5, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho biết: so với năm 2014, số người tham gia BHYT trong quý đầu 2015 giảm 1,2 triệu. Trong khi đó, BHYT chi trả cao nhất đến 1,4 tỷ/1 bệnh nhân/ năm với bệnh nhân ung thư điều trị thuốc trúng đích.

BHYT thanh toán đến 1,4 tỷ cho một ca bệnh trong năm

Theo ông Bằng, ngoài việc tuyên truyền để người dân nhận thức được quyền lợi của bảo hiểm y tế, ngành y tế cần đẩy nhanh lộ trình tăng viện phí để hướng tới BHYT toàn dân. Lý giải về vấn đề này, ông Bằng cho biết, chính vì còn tình trạng viện phí bao cấp, giá viện phí thấp chưa tính đúng tính đủ, số tiền người bệnh không dùng thẻ BHYT phải nộp không chênh quá nhiều so với người được thụ hưởng BHYT, nên nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với thẻ BHYT.

Còn khi viện phí hướng đến tính đúng, tính đủ, tấm thẻ BHYT thực sự sẽ ngày càng trở lên giá trị bởi nó chi trả cho người bệnh số tiền rất lớn mà những người không có thẻ sẽ khó có thể kham nổ việc điều trị nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ.

“Thúc” tăng viện phí để người dân mua thẻ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế thực sự là cứu cánh khi không may mắc bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo với chi phí điều trị lớn. Ảnh: H.Hải

Ông Bằng lấy dẫn chứng, như với những bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính như suy thận phải chạy thận... 100% người bệnh đều có thẻ BHYT. “Nếu không có BHYT, dù người giàu cũng không kham nổi chi phí điều trị, từ giàu mà thành nghèo, rồi đến sạt nghiệp. Trong khi đó, có thẻ BHYT họ được đảm bảo điều trị. Như với ung thư vú, quỹ BHYT chi trả ít nhất 840 triệu/bệnh nhân/năm điều trị. Còn với các ung thư khác phải sử dụng thuốc điều trị trúng đích, có những loại ung thư quỹ BHYT chi trả 1,4 tỷ/bệnh nhân/năm điều trị”, ông Bằng nói.

Vị đại diện BHXH Việt Nam cũng thông báo, trong quý 1 năm 2015, tỷ lệ thẻ sụt giảm 1,2 triệu thẻ, trong đó đến 15% giảm theo đối tượng gia đình. Nguyên nhân là người dân chưa hiểu quy định mới, một số địa phương vẫn còn máy móc trong thủ tục đăng ký thẻ. Theo đó các vướng mắc, khó khăn chủ yếu liên quan đến việc xác định đối tượng vắng trong hộ khẩu. Ví như gia đình có người đi công tác nước ngoài, công tác ở tỉnh khác, nhưng xã phường lại yêu cầu phải photo thẻ bảo hiểm y tế, giấy tạm trú tạm vắng...

“Khi phát hiện một số địa phương có những áp dụng máy móc này, chúng tôi đã phải điều chỉnh ngay vì điều này không cần thiết. Chỉ cần dựa vào bản khai của hộ gia đình, ví dụ gia đình có 5 người thì bao nhiêu người có thẻ, bao nhiêu người chưa có, người nào đi công tác xa, sau đó chủ hộ kí, địa phương xác nhận, người mua thẻ BHYT không cần photo bất kỳ giấy tờ gì”, ông Bằng khẳng định.

Tính phương án đóng “trả góp” BHYT theo tháng?

Cũng theo đại diện BHXH Việt Nam, trước đây một người dân tham gia BHYT phải đóng 620.000 đồng/năm. Nhưng khi đóng thẻ BHYT theo hộ gia đình, những người đóng sau sẽ được khấu trừ. Ví như trong khi nếu cả gia đình 5 người cùng mua thì số tiền phải đóng lên gần 2 triệu đồng dù mức đóng đã giảm dần.

“Tuy nhiên, với người nông dân nếu đóng một lúc, đây là khoản tiền lớn. Vấn đề là ở khâu tuyên truyền, nếu nói đóng 2 triệu, người nông dân sẽ thấy sợ, tiếc vì là khoản tiền rất lớn với họ. Nhưng thực tế chia ra, mỗi người trong một gia đình chỉ dành 33.000 đồng để có một tấm thẻ BHYT phòng cho những rủi ro sức khỏe thì không có gì cao. Vì thế, phải nói để người dân hiểu, 33 nghìn một tháng để phòng những rủi ro sức khỏe, tôi cho rằng người dân sẽ hiểu và ủng hộ”, ông Bằng nói.

Trước câu hỏi liệu có thể “trả góp” tiền thẻ BHYT theo tháng để tạo điều kiện cho người dân, ông Bằng cho biết các cơ quan chức năng đã từng bàn tới việc người dân đóng tiền một nửa (6 tháng) nhưng vẫn phát hành thẻ cả năm, sau đó mới thu tiếp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra phương án gì có thể đảm bảo người dân sẽ tự giác nộp nốt tiền BHYT khi hết hạn 6 tháng.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Bảo hiểm y tế cho biết, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là quy định mới, đảm bảo sự công bằng, đảm bảo sự chia sẻ từ chính những người thân trong gia đình. Vì nếu chỉ người bệnh mới tham gia BHYT thì quỹ BHYT sẽ không thể có tiền để chi trả.

Như những trường hợp điều trị ung thư kể trên, hay với bệnh tim, mổ tim, chạy thận, các bệnh lý cấp cứu như uốn ván, nhiễm trùng... chi phí quỹ BHYT chi trả là rất lớn, từ chục triệu đồng/lần điều trị đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền BHYT chi trả gấp vài chục lần số tiền đóng BHYT trong cả chục năm, thậm chí đóng cả đời vẫn không bằng một lần BHYT chi trả. Vì thế, nếu không có sự chia sẻ từ chính những người khỏe mạnh với người ốm đau trong gia đình thì quỹ BHYT khó phát triển bền vững. Có những người không tham gia BHYT, khi bị bệnh, đã trở thành thảm họa với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân, ngành y tế đã phối hợp với BHXH VN, tạo điều kiện để những người đã tham gia BHYT cũ vẫn được mua thẻ BHYT không cần theo hộ gia đình. Nhưng với người tham gia mới, bắt buộc phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Quy định này cũng chính thức áp dụng toàn quốc từ 1/1/2016. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành liên quan ban hành văn bản để hướng dẫn chi tiết thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Hồng Hải