TPHCM:
Sẽ gắn logo cho “thức ăn đường phố an toàn”
(Dân trí) - Thức ăn đường phố với nhiều tiện lợi, đa dạng đang trở thành nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn. Tuy nhiên, đây là mặt hàng tiêm ẩn nguy cơ nhiễm vi sinh, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng logo “thức ăn đường phố an toàn” sẽ được gắn cho những cơ sở đạt chuẩn.
Thức ăn đường phố với những tiện ích như giá rẻ, thuận lợi khi mua bán, tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian, đa dạng món ăn... từ lâu đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Sài Gòn. Tuy nhiên, loại hình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi việc buôn bán, kinh doanh bên đường, điều kiện vệ sinh hạn chế gia tăng tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn khi thức ăn không được bảo quản lạnh nên dễ ôi thiu.
Mặt khác, những người buôn bán thức ăn đường phố hầu hết đều là tự phát, không có giấy phép, không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nguyên liệu sử dụng trong chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, đối tượng phục vụ của thức ăn đường phố là những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, cho dù có ý thức sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn nhưng túi tiền hạn chế nên họ ít có sự lựa chọn.
Thức ăn không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn có thể khiến người sử dụng đối mặt với những nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, gây ra các loại bệnh nguy hiểm. Để hạn chế những nguy hiểm đến từ mặt hàng thức ăn đường phố, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố đang triển khai nhiều giải pháp siết chặt quản lý chất lượng, hướng tới mục tiêu đưa thức ăn đường phố thành nét văn hóa ẩm thực vùng miền trên cơ sở kết hợp với du lịch.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho biết: “Ban đã lập kế hoạch cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố năm 2018 và 2019 với mục tiêu kiểm soát chất lượng an toàn, giảm thiểu ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm cũng như nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua”.
Theo đó, mỗi quận huyện sẽ xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Các quận huyện sẽ lập các khu phố ẩm thực, tuyến đường kinh doanh, phường xã điểm trong kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sẽ có những tuyến đường không có thức ăn đường phố để từng bước quy hoạch vào các điểm b
án tập trung nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo vệ sinh tốt hơn.
10 tiêu chí đánh giá cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố
Theo PGS Phong Lan: “Khó có thể đòi hỏi thức ăn đường phố về mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn tốt như các nhà hàng. Tuy nhiên, loại hình này cũng phải có chuẩn an toàn trong phạm vi có thể chấp nhận được để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Ban An toàn Thực phẩm đã lập ra 10 tiêu chí đánh giá cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trên cơ sở đó phối hợp với Mặt trân Tổ quốc, Hội Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người kinh doanh loại hình này”.
Bên cạnh việc truyền thông, Ban An toàn Thực phẩm đang chủ trương vận động các mạnh thường quân, trích quỹ hỗ trợ trang thiết bị như: dụng cụ gắp thức ăn, găng tay, tạp dề, khẩu trang, dụng cụ thu gom rác và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ cho người bán thức ăn đường phố.
Căn cứ trên 10 tiêu chí đối với thức ăn đường phố, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá và gắn logo biểu trưng “thức ăn đường phố an toàn” cho các những điểm bán hàng đáp ứng tốt các điều kiện đặt ra. Các điểm bán thức ăn đường phố không đạt tiêu chuẩn sẽ bị kiểm tra, xử lý nhẹ thì cảnh cáo, thông báo lên sóng phát thanh, nặng sẽ buộc phải ngưng kinh doanh.
PGS Phong Lan kỳ vọng: “Nếu cộng đồng nâng cao được ý thức trong đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố thời gian tới sẽ được tổ chức thành các khu thức ăn đường phố tập trung như Singapore, Thái Lan. Đây sẽ là nơi giới thiệu những món ăn đặc trưng của các vùng miền nhằm quảng bá và phát triển du lịch của địa phương, thu hút thực khách nói riêng và khách du lịch nói chung”.
Vân Sơn