Sau nuốt khó, bệnh nhân mất giọng phải uống i-ốt phóng xạ
(Dân trí) - Đến bệnh viện thăm khám vì những biểu hiện nuốt vướng khi ăn, nữ bệnh nhân được bác sĩ xác định bị ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn. Các bác sĩ đã phải cắt toàn bộ tuyến giáp và một phần khí quản nên bệnh nhân phải chịu cảnh mất hoàn toàn giọng nói.
Đó là trường hợp nữ bệnh nhân N.T.T.T. (59 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu. Được biết, trước khi đến bệnh viện, bà T.T. có biểu hiện vùng cổ lớn hơn so với bình thường nhưng không gây khó chịu nên bệnh nhân không đến bệnh viện thăm khám mà tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian.
Gần đây, có biểu hiện bị nuốt vướng khi ăn bệnh nhân mới vào bệnh viện kiểm tra. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp. Thông tin tin của bác sĩ khiến người bệnh choáng váng và ân hận khi không đến bệnh viện để thăm khám sớm ngay khi cơ thể có biểu hiện bất thường.
BS-CKII Trần Minh Tuấn, Phó khoa Điều trị tổng hợp cho biết: “Các kết quả chẩn đoán lâm sàng, khối u tuyến giáp của bà N.T.T.T là loại biệt hóa tốt nhưng đã xâm lấn vào đường thở và các hạch xung quanh vùng cổ. Do đó, ê kíp bác sĩ khoa Điều trị Tổng hợp quyết định cắt toàn bộ tuyến giáp và một phần khí quản, điều này khiến bệnh nhân mất hẳn giọng nói sau mổ. Ca phẫu thuật khá phức tạp đã được thực hiện thành công, sau phẫu thuật, bệnh nhân còn phải điều trị tiếp bằng phương pháp uống i-ốt phóng xạ.
Ung thư tuyến giáp là loại bệnh lý đứng hàng thứ hai ở nữ giới trong độ tuổi 30 đến 45. Đây là loại bệnh có diễn tiến rất chậm. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng đặc biệt, chỉ được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm vùng cổ qua khám sức khỏe định kỳ. Nhiều bệnh nhân chủ quan do bệnh không gây khó chịu, đến lúc bị khó thở, khó nuốt, khàn tiếng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
BS Minh Tuấn cho biết thêm: “Thông thường, các bệnh nhân đến khám bệnh vì tự sờ thấy có một cục nhỏ ngay dưới da vùng cổ. Trong cộng đồng, khoảng 80 đến 90% dân số có thể tự sờ được “một cục u” như vậy ở vùng cổ. Nhưng chỉ có gần 2% trong số đó mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Khoảng 95% ung thư tuyến giáp là loại có tiên lượng rất tốt, có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu khẳng định, nếu người bệnh được phát hiện sớm, việc điều trị bệnh ung thư tuyến giáp rất đơn giản với tiên lượng khả quan. Với máy siêu âm có độ phân giải cao, Bệnh viện Ung Bướu có thể chẩn đoán và phát hiện khối u trong tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ chọc hút tế bào (FNA) để xác định chính xác có tế bào ác tính hay không.
Về phẫu thuật, bệnh nhân có thể mổ hở hoặc mổ nội soi. Đối với bướu lành tính, có thể can thiệp không cần mổ như đốt khối bướu bằng vi sóng hoặc sóng cao tần. Đây là các phương pháp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và ít đau đớn, thời gian phẫu thuật không quá 1 giờ, bệnh nhân chỉ cần nằm lại bệnh viện 1 đến 2 ngày sau đó cần theo dõi chặt chẽ và điều trị theo phác đồ.
Vân Sơn