Sau khi ăn tôm, một phụ nữ bị hôn mê sâu
(Dân trí) - Hơn một giờ sau bữa cơm dùng với món tôm rim, cơ thể bà Cẩm T. bị nổi mẫn đỏ, suy hô hấp. Nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, hôn mê sâu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ với thức ăn.
Nữ bệnh nhân không may rơi vào tình trạng trên là bà Nguyễn Thị Cẩm T. (51 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Thông tin từ chồng bệnh nhân cho hay, trước khi cơ thể có những biểu hiện bất thường, bà Cẩm T. ăn cơm với món tôm rim. Khoảng 1 giờ sau, bà bắt đầu nổi mẩn ngứa, than mệt, khó thở, lơ mơ… được chuyển đến bệnh viện địa phương.
Sau khi thăm khám và thực hiện các thủ thuật sơ cứu, bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân lên Chợ Rẫy. Ngày 8/5, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy đa cơ quan. Sau các kết quả thăm khám, xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng phản vệ (còn gọi là sốc phản vệ) với thức ăn. Trước tình trạng nguy kịch người bệnh phải đối mặt, bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) với hi vọng “còn nước còn tát”.
Bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu hơn 2 tuần, sinh mạng liên tục bị đe dọa. Sau chạy ECMO các bác sĩ tiến hành lọc máu ngắt quãng kết hợp thở máy, sử dụng kháng sinh nỗ lực điều trị đã giúp bệnh nhân dần phục hồi, qua được nguy kịch. Ngày 28/5, bà Cẩm T. sức khỏe của bà Cẩm T. đã bình phục tốt, các chỉ số sinh hiệu tương đối ổn định. Đây là trường hợp rất nguy kịch do bị sốc phản vệ với thức ăn đã may mắn được bác sĩ cứu sống.
Sốc phản vệ do dị ứng với thực phẩm là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong cho người bệnh. Sốc phản vệ với thức ăn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm có nguy cơ cao là trẻ em và người lớn tuổi. Trong thức ăn của con người, nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng như: cua, mực, tôm, ghẹ, các loại cá, khoai tây, đậu nành… Người mắc một trong một số bệnh dị ứng như: bệnh hen suyễn, chàm, phát ban đỏ dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa hoặc trong gia đình có tiền sử cơ địa dị ứng thường đối mặt với nguy cơ bị sốc phản vệ với các món ăn trên.
Bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân bị dị ứng sau khi sử dụng thức ăn với các biểu hiện mẩn ngứa, phát ban, mệt… cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi, điều trị kịp thời. Những bệnh nhân có cơ địa mẩn cảm hoặc tiền sử dị ứng cần thay đổi thói quen ăn uống, tránh sử dụng những loại thực phẩm đã từng gây dị ứng.
Vân Sơn