Sau 40 tuổi nhiều chị em "não cá vàng": Bác sĩ chỉ ra thủ phạm bất ngờ
(Dân trí) - Sau 40 tuổi, nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội bắt đầu mắc chứng "nhớ nhớ, quên quên". Thế nhưng, chồng đã gần 50 tuổi trí nhớ vẫn tốt, vì thế thường hay cáu gắt khi chị cứ mãi "não cá vàng".
Sau 40 tuổi, nhiều chị em rơi vào tình trạng "nhớ nhớ, quên quên"
Sau tuổi 40, chị M.T., một nhân viên văn phòng tại Nam Từ Liêm Hà Nội bắt đầu mắc chứng "nhớ nhớ, quên quên".
"Có khi chiếc chìa khóa vừa để trên bàn nhưng sau khi dở tay chốc lát tôi lại không thể nhớ đã để đâu. Hay như những ngày kỷ niệm thời còn yêu nhau với chồng trước đây nhớ rất rõ, nhưng nay chỉ còn nhớ mỗi ngày cưới", chị T. chia sẻ.
Điều đáng nói, chồng chị T. đã gần 50 tuổi nhưng trí nhớ vẫn tốt, vì thế thường hay cáu gắt khi chị cứ mãi "não cá vàng".
Chị T. là một trường hợp ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thăm khám trong thời gian vừa qua. Trên thực tế, theo chuyên gia này, "não cá vàng" là một tình trạng rất hay gặp ở những phụ nữ tuổi tiền mãn kinh.
Bất ngờ với thủ phạm
Tiền mãn kinh là khoảng thời gian mà cơ thể bắt đầu quá trình chuyển đổi tự nhiên đến kỳ mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc của tuổi sinh sản ở nữ giới. Tiền mãn kinh cũng được gọi là quá trình chuyển đổi mãn kinh. Khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể. Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp.
"Sự suy giảm nội tiết tố estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh sẽ khiến chị em đối mặt với nhiều vấn đề như: giảm ham muốn tình dục, sự "xuống dốc" của nhiều bộ phận, điển hình là da, tóc và có cả những thay đổi trong khả năng ghi nhớ", BS Thành phân tích.
Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ nữ giới suy giảm trí nhớ thường lớn hơn nam giới. BS Thành trích dẫn một nghiên cứu về bệnh Alzheimer tại Mỹ đã chỉ ra bệnh thường gặp ở phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới. Theo Hiệp hội Alzheimer, phụ nữ chiếm 2/3 số người cao tuổi ở Mỹ sống chung với bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, từ tuổi 65, phụ nữ có tỉ lệ mắc Alzheimer cao hơn so với nam giới cùng tuổi. "Một lý do dễ hiểu là phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới, điều này làm tăng khả năng phát triển bệnh Alzheimer nói chung. Nhưng rất có thể có những khác biệt giới tính khác cũng góp phần hình thành nên bệnh này. Nồng độ estrogen trong não của những phụ nữ bị bệnh Alzheimer thấp hơn so với những người không bị sa sút trí tuệ", BS Thành chia sẻ.
Đáng chú ý, theo BS Thành, suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một giai đoạn thường xảy ra trước bệnh Alzheimer phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ dường như sẽ có tốc độ suy giảm nhanh hơn nam giới, có thể đột ngột rơi vào chứng sa sút trí tuệ.
"Nam giới có thể bị suy giảm nhận thức sớm hơn trong đời nhưng với tốc độ chậm hơn, trong khi phụ nữ có thể nhanh chóng chuyển từ nhận thức bình thường sang sa sút trí tuệ", BS Thành phân tích.
Điều này cũng có thể liên quan đến sự sụt giảm mạnh nồng độ nội tiết ở thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh ở nữ giới. Còn nam giới quá trình mãn dục nam diễn ra từ từ và kéo dài trong nhiều năm.