1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sản phụ tử vong: Do thiếu kinh nghiệm hay thiếu trách nhiệm?

Tiền sản giật nặng được quy là nguyên nhân tử vong liên tiếp của 2 sản phụ trong thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc quy kết này là chưa đúng.

 

Sản phụ tử vong: Do thiếu kinh nghiệm hay thiếu trách nhiệm?  - 1

Các bà mẹ đang chờ khám thai ở một bệnh viện phụ sản
 

Cả mẹ và con cùng tử vong

 

Vụ việc xảy ra mới đây nhất là trường hợp sản phụ Huỳnh Thị Kim Yến - sinh năm 1975. Theo người nhà của sản phụ này thì tối 1/4/2011, chị Yến bị phù đột ngột, phù mi mắt và đau bụng âm ỉ và đến 2h30 sáng hôm sau các cơn đau bụng tăng lên và phù nhiều hơn, nên gia đình đã đưa chị đến khoa Sản, BV An Sinh để khám.

 

Trong sổ khám thai, BS Tô Hoài Thư đã khám, ghi nhận huyết áp là 140/80mmHg, không nhức đầu, phù (+), tim thai 152 lần/phút và kết luận BN bị rối loạn tiêu hóa/thai 30 tuần ổn, đề nghị chuyển cấp cứu.

 

Đến 7h30 cùng ngày, BS đến khám và khẳng định chị Yến bị viêm dạ dày và yêu cầu theo dõi có phải đau do viêm ruột thừa hay không? Đến 16h cùng ngày, gia đình báo với BS là nước tiểu của chị Yến có màu nâu sậm, nhưng BS nói không sao. Khi nghe BS khẳng định như vậy nên gia đình yên tâm và muốn xuất viện (vì có 2 con nhỏ), BS đã đồng ý cho xuất viện. Trên đường về nhà, sản phụ nôn ói và rơi vào tình trạng hôn mê.   

 

Đến 19 giờ 30, chị Yến được đưa trở lại cấp cứu tại BV An Sinh và lúc này, BS cho thở ôxy và khẳng định sản phụ đã bị tiền sản giật, sau đó chuyển cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Đến BV Chợ Rẫy, chị Yến bị hôn mê sâu và xuất huyết não rồi cả hai mẹ con đều bị tử vong.

 

Theo giải thích của lãnh đạo BV An Sinh, đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nặng, tiến triển nhanh, nhưng biểu hiện lâm sàng không rõ ràng để các BS lưu ý đến khả năng bệnh nhân bị hội chứng HELLP - hội chứng nặng trong sản khoa hơn cả sản giật. Lãnh đạo của BV khẳng định: “Do tỉ lệ hiếm gặp, nên các BS của ca trực hôm đó không có kinh nghiệm để nghĩ đến và xử trí”.

 

Một trường hợp khác cũng tương tự của chị Yến xảy ra trước đó, cũng đổ lỗi cho nguyên nhân tiền sản giật. Sản phụ tên là Vương Lệ Trinh - 37 tuổi, trú 118/10 Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.5, TPHCM - mang song thai đến tuần thứ 35 và cảm thấy mệt, khó thở. Gia đình vào BV Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị nghề nghiệp quận 8 để cấp cứu.

 

Khoảng hơn 10 phút sau, BV thông báo sản phụ này đã tử vong. Được biết, chị Trinh có thai lần thứ hai và mang song thai được 35 tuần. Lần khám thai cuối cùng tại BV Hùng Vương, BS Võ Thị Tuyết Mai, người khám trực tiếp, khẳng định thai bình thường và không có các nguy cơ cao. BS Tuyết Mai hẹn tái khám đợt tiếp theo sau 15 ngày.

 

Anh Thái Văn Nam - chồng của sản phụ này - cho biết, khi đưa vợ vào BV cấp cứu, anh chỉ thấy duy nhất một y tá đang túc trực tại khoa cấp cứu. Đến khoảng gần 5 phút sau, mới thấy 2-3 y tá và bác sĩ nữa đến thăm khám cho chị Trinh.

 

Sau khi được thông báo vợ bị chết, anh Nam hy vọng cứu sống 2 đứa con trong bụng vợ. Nhưng, theo anh Nam, loay hoay mãi hơn 15 phút nữa, các bác sĩ mới đưa vợ anh qua BV Phụ sản Hùng Vương để phẫu thuật bắt con. Song khi đến nơi thì đã quá muộn.

 

Lãnh đạo BV Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị nghề nghiệp quận 8 cho biết, bệnh nhân tử vong do bị biến chứng tiền sản giật vì có những biểu hiện như đạm niệu cao, phù chân dẫn đến phù phổi cấp, choáng tim.

 

Không phải tiền sản giật!

 

Cả 2 trường hợp trên đều quy cho tiền sản giật hay hội chứng HELLP (Hemolysis - Elevated Liver (enzyme) - Low Platelet) thực chất là dấu hiệu nặng của tiền sản giật/sản giật.

 

BS Tạ Thị Thanh Thủy - BV Phụ sản Hùng Vương - cũng cho biết, nếu bệnh nhân không có triệu chứng tăng huyết áp đột ngột thì khó có thể nói BN bị tiền sản giật. Thông thường, tiền sản giật gây tử vong cũng không xảy ra quá nhanh. Bệnh nhân phải trải qua triệu chứng tăng vọt huyết áp, lên cơn co giật dữ dội một khoảng thời gian, do đó nếu được cấp cứu kịp thời đúng chuyên khoa, thấy bà mẹ nguy cấp BS có thể cho “đình chỉ” thai, mổ cứu con.

 

Còn theo một cựu giảng viên bộ môn Sản - ĐH Y - Dược TPHCM, thông thường, bất cứ một sản phụ nào có tuổi thai trên 20 tuần vào viện với những triệu chứng như phù, cao huyết áp, bứt rứt, đau thượng vị, buồn nôn hoặc nôn ói thì BS sản khoa phải nghĩ đến tiền sản giật vì đây là một bệnh lý nặng, nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và con. Lúc đó, các BS sẽ phải cho làm các xét nghiệm tối thiểu để xác định BN có tiền sản giật không, tình trạng tiền sản giật đó đã nặng hay chưa. 

 

Tuy HELLP là một hội chứng diễn biến nhanh với tiên lượng xấu, nhưng trong suốt thời gian từ 2h sáng đến 19h, nếu theo dõi tốt tình trạng sức khỏe, mạch, huyết áp, lượng nước tiểu và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, chắc chắn BN đã phải được chẩn đoán có tình trạng tiền sản giật nặng. Nếu được chẩn đoán và xử trí đúng mức, tính mạng cho cả mẹ và con vẫn có thể được bảo toàn.

 

Như vậy, rõ ràng các ca tiền sản giật rất hay gặp trong y khoa và các BS đều khẳng định tiền sản giật không phải là trường hợp khó! Hai vụ tử vong cả mẹ và con trên đã cho thấy, không phải hậu quả xảy ra là đổ lỗi cho tiền sản giật!   

 

Theo Võ Tuấn

Lao động