Sai lầm nhiều người mắc khi muốn giải rượu ngày Tết

(Dân trí) - Rượu, bia là đồ uống quen thuốc tại nhiều gia đình trong bữa ăn ngày Tết, tuy nhiên khi uống quá đà có thể dẫn đến say. Giải rượu không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Sai lầm nhiều người mắc khi muốn giải rượu ngày Tết - 1

Dưới đây là một số sai lầm nhiều người hay mắc khi muốn giải rượu:

Uống nước chanh

Nhiều người cho rằng uống nước chanh giúp giải rượu nhanh hơn. Tuy nhiên thực tế, nó có thể gây tổn thương dạ dày.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn. Tuy nhiên, nước chanh chứa rất nhiều axít với một người uống rượu, không ăn gì thì có thể khiến dạ dày bị tổn thương gây nôn thêm.

Thay vào đó có thể uống cốc nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong… hoặc uống oresol bù nước, điện giải

Cố gây nôn

Theo BS Nguyên, quan niệm gây nôn rất tốt cho người say rượu chỉ đúng khi người bệnh tỉnh táo, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Cố ép gây nôn khi không tỉnh táo, người bệnh rất dễ bị sặc, thức ăn hay đồ uống vào phổi có thể gây viêm phổi, sặc, ngạt đường thở dẫn đến tử vong.

Uống một số loại thuốc giảm đau đầu khi say

Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.

Những điều cần lưu ý khi có người nhà bị say rượu

Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn.

Nếu nói ú ớ, không thành rõ từ, gọi không biết, không thể ngồi được thì cần đặt nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất nghiêng sang bên phải do dạ dày uốn cong, nằm vị trí này giúp dạ dày không bị kích thích nôn ra ngoài. Khi người say thở yếu, ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh thì cấp cứu ngay.

Uống rượu như thế nào để đảm bảo an toàn

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%).

Uống rượu khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm