Rượu đựng trong săm ô tô!
Qua kiểm tra tình hình kinh doanh, sản xuất rượu tại làng Chi Nê, một cảnh tượng chung của các cơ sở sản xuất khi đoàn thanh tra liên ngành tới là: khu nấu, ủ rượu nằm ngay cạnh chuồng lợn, cảnh quan môi trường xung quanh rất bẩn thỉu, mất vệ sinh.
Chỉ có 3/212 hộ đăng ký chất lượng
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành về rượu thành phố Hà Nội, chúng tôi có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Bảy, xóm Đồi, làng nghề Chi Nê - một hộ đã có thâm niên 7 - 8 đời trong nghề nấu rượu. Toàn bộ khu nấu rượu của nhà chị Bảy là một gian bếp ẩm thấp, chia làm 2 ngăn (một ngăn để ngâm ủ rượu, chứa rượu thành phẩm và ngăn kia dùng để phơi men và nấu rượu) nằm phía sau nhà, cạnh ngay chuồng nuôi lợn, được bao phía sau bởi chiếc ao tù có màu nước đen kịt.
Theo chủ nhà, nguồn nước sử dụng để nấu rượu là nguồn nước giếng khoan, còn men làm rượu là men thuốc bắc được mua trên phố Hàng Buồm, Thuốc Bắc (Q.Hoàn Kiếm). Vừa nói chị vừa tiến về phía góc bếp, lật ngửa chiếc săm ô tô cũ căng phồng đặt trệt ngay trên sàn bếp bẩn thỉu, rồi cởi nút thắt từ chiếc vòi tự chế ở góc túi săm, rót rượu để bán cho khách. Bên cạnh đó là một túi săm ô tô cũ khác, mỗi chiếc săm này đựng được khoảng trên 100 lít rượu...
Khi được hỏi: “Chị cho biết rượu đựng trong săm xe cũ như vậy sẽ không đảm bảo vệ sinh, rất độc hại hay không?” thì chủ nhà lại giải thích: "Bao năm nay chúng tôi vẫn đựng rượu như vậy, nếu có độc hại thì chắc chắn đã có người bị ngộ độc rồi, hơn nữa ở làng nghề này rất nhiều nhà cũng đựng rượu trong các vỏ săm cũ như vậy, có thấy ai nhắc nhở gì đâu"?!
Không riêng gì nhà chị Bảy, tại nhà anh Phùng Xuân Hứa cũng thấy cảnh tương tự, khu nấu, ủ rượu nằm ngay cạnh chuồng lợn, cảnh quan môi trường xung quanh rất bẩn thỉu, mất vệ sinh. Cơ sở này dùng men tự làm để nấu rượu. Theo anh Hứa "nghề nấu rượu ở đây là nghề cha truyền con nối. Chúng tôi chỉ dùng men đảm bảo, không dùng men Tàu để nấu rượu sạch và ngon. Chứ các chất độc trong rượu, hàm lượng độc hại thế nào thì mấy người nấu rượu biết được...".
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, làng nghề Chi Nê có 212 hộ nấu rượu, hầu hết đều là cơ sở nhỏ lẻ, thủ công. Hiện chỉ có duy nhất 3 hộ đăng ký chất lượng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP. Theo ông Trần Văn Kỳ, Trưởng khoa ATVSTP, TT Y tế huyện Chương Mỹ, đoàn kiểm tra chỉ đôn đốc, nhắc nhở các hộ nấu rượu đảm bảo vệ sinh chứ không thể xử lý, bắt buộc họ phải làm thế nào hay phải ngừng sản xuất... vì từ trước đến nay chưa có quy định rõ ràng đối với việc quản lý các hộ nấu rượu truyền thống.
Cần có quy chế quản lý về ATVSTP với làng nghề
Ông Nguyễn Quang Hạnh, Trưởng trạm y tế xã Trung Hòa cho biết thêm, nếu áp theo các tiêu chuẩn về ATVSTP thì hầu hết các hộ nấu rượu ở Chi Nê đều không đảm bảo. Chẳng hạn, giếng nước dùng để nấu rượu đều nằm sát ngay khu chăn nuôi, nước thải, phân thải đổ thẳng ra ao ruộng cho nên rất mất vệ sinh. Trong khi đó, ý thức giữ vệ sinh môi trường của hầu hết các hộ dân nấu rượu còn rất kém, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm cũng như công tác đảm bảo ATVSTP, VSMT nơi đây.
Trước thực trạng trên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã giao cho Ban chỉ đạo ATVSTP huyện Chương Mỹ phải nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất việc quản lý ATVSTP đối với các hộ nấu rượu truyền thống ở Chi Nê. Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị lên Bộ Y tế sớm đưa ra quy trình quản lý ATVSTP đối với cơ sở sản xuất, nấu rượu tại các làng nghề truyền thống trong cả nước nhằm giảm sát và cải thiện tình trạng mất ATVSTP như hiện nay.
Theo Anh Hoàng
Sức khỏe & Đời sống