1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rượu bia: Tuyệt đối không "cạn ly 100%"

(Dân trí) - Theo GS BS Trần Đông A, chuyên gia y khoa các nước đưa ra con số thống kê cho thấy có từ 50 đến 70% người sử dụng bia rượu trên các nước đang ngày càng trẻ hóa, ở độ tuổi từ 15 tuổi. Kéo theo đó là bao hệ luỵ cho sức khoẻ.

Hội chứng Paul Lemoin

 

Theo GS Trần Đông A, đã có nhiều công trình khoa học trong vòng gần 30 năm gần đây, được trình bày có tính thuyết phục cao, dựa trên 2 phương pháp tiếp cận hiện đại trên nền y học chứng cớ và y học thực nghiệm về tác hại của rượu.

 

Bệnh ung thư gan phần lớn thường “gõ cửa” các quý ông. Nguyên nhân chính được nhận định là do các đấng mày râu có thói quen xấu thường xuyên sử dụng nhiều chất kích thích có chứa nồng độ cồn cao hơn so với nữ giới. Thêm vào đó, đa số đấng mày râu luôn có một chế độ ăn uống thiếu sự cân bằng trong dinh dưỡng.

 

GS BS Trần Đông A cũng đưa ra minh chứng, trong 6 ca ghép gan tại BV Nhi đồng 2 chỉ có 1 ca người cha có lá gan lành lặn để cho con, còn các trường hợp khác lá gan đều có “thẹo” nên không thể ghép được.

 

Ngoài ra, bia, rượu còn gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh não, thần kinh trung ương, con của người cha ngiện rượu bia cũng dễ trở nên đần độn.

 

Đặc biệt đối với phụ nữ có thai mà nghiện rượu thì con sinh ra sẽ bị chậm phát triển tâm thần và thường bị rối loạn tâm sinh lý, đồng thời có những biến dạng nhất định ở cơ thể, đặc biệt là ở đầu và mặt.

 

Ngày nay, những đứa trẻ bị biến dạng ở phần đầu và mặt do mẹ uống rượu khi mang thai được y học thế giới gọi là trẻ mắc hội chứng Paul Lemoin, hội chứng này đã được y học thế giới công nhận trong năm 2008. Những trẻ này mang mầm bệnh từ khi còn là bào thai, thiểu năng não rất kém và thường người ta chỉ phát hiện được trẻ mắc hội chứng Paul Lemoin khi trẻ từ 2 tuổi trở lên.

 

Khuyến cáo khi uống rượu

 

GS BS Trần Đông A cho biết, các cơ quan kiểm tra thực phẩm và thuốc trên thế giới đã đưa ra yêu cầu tuyệt đối không được pha thêm bất cứ loại phụ gia gì vào rượu, vì những chất này qua rượu sẽ ngấm trực tiếp vào máu và đi thẳng đến các cơ quan khác trong cùng 1 lúc.

 

Trong khi đó ở Việt Nam người ta dễ dàng tìm thấy nhan nhãn không biết bao nhiêu hiệu rượu pha chế với đủ loại chất khác như máu rắn, mật gấu….

 

Những ai đang có vấn đề về gan thì không nên uống bia rượu, cũng như không được uống rượu cùng lúc lúc với uống các loại thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các loại thuốc ngũ hoặc thuốc chống dị ứng. Ngay cả những thuốc quảng cáo có tác dụng tốt đến việc uống rượu thực ra chỉ là quảng cáo, không có bằng chứng y học nào minh chứng cho những tác dụng này.

 

Không được uống nhanh (le binge drinking) và uống nhiều mà phải uống từ từ và uống ít. Người Việt khoái “dzô, dzô! Cạn ly 100%”, là yếu tố dẫn đến những nguy cơ cho sức khoẻ. Uống nhanh đã được thế giới xác định là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến sức khoẻ đối với những người uống rượu.

 

Bia, rượu là chất được hấp thụ rất nhanh, 90% qua màng ruột mà không cần tiêu hoá như các loại thức ăn khác, nên tác dụng của nó có ngay chỉ 10 phút sau khi uống, rồi đạt đỉnh cao trong máu chỉ trong vòng 40 đến 60 phút và sau đó dần dần được phân huỷ tại gan.

 

Do đó, khi người uống, uống nhanh hơn vận tốc phân huỷ tại gan thì nồng độ rượu trong máu sẽ tăng cao, đồng thời lượng rượu tích tụ tại gan cũng tăng dẫn đến tổn thương dần tế bào gan, gây xơ gan hoặc làm gan thoái hoá mỡ. Đây chính là nền tảng cho bệnh suy gan và cho ung thư gan phát triển. Tác hại thứ hai gây ra tại màng ruột, dẫn đến ung thư đường tiêu hoá, nhất là đường tiêu hoá trên như dạ dày.

 

Tuyệt đối không uống rượu lúc dạ dày trống, chỉ nên uống lúc ăn hoặc đã uống là phải ăn, không được uống “chay”. Người Việt mình thì khoái zdô hơn ăn, có khi cả 5 hay 6 ly cũng chưa ăn một chút gì cho có.

 

Vì thế, lời khuyên cho các người uống rượu là ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau củ quả, ít thịt, vận động thể dục mỗi ngày và chỉ uống đúng một lon bia hay 1 ly rượu trong ngày.

 

Hậu quả ngay sau khi uống bia rượu

 

Hiện nay, hầu hết các nước đều cho phép khi lái xe nồng độ rượu trong máu là 0,08-0,10g/ 100 ml máu. Tuy nhiên, ngay sau khi uống, tuỳ nồng độ rượu trong máu, người uống sẽ bị ảnh hưởng từ rượu với các tác dụng khác nhau như:

 

- Khi nồng độ rượu là 0,05: người uống thấy bớt bị ức chế và tăng khả năng giao tiếp.

 

- Khi nồng độ tăng lên 0,10: người uống bắt đầu lè nhè.

 

- Nồng độ từ 0,40: người uống bắt đầu lơ mơ.

 

- Khi nồng độ 0,50: người uống sẽ rơi vào hôn mê.

 

- Còn từ 0,60 trở lên thì người uống sẽ bị liệt các cơ hô hấp và tử vong.

 

Ngọc Thanh