Rối loạn ăn uống vì vào facebook
(Dân trí) - Việc dành nhiều thời gian trên Facebook sẽ tăng khả năng phát triển bệnh rối loạn ăn uống, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tờ DailyMail.
Nghiên cứu được thực hiện trên 960 nữ sinh và được công bố trên Tạp chí Quốc tế về rối loạn ăn uống. Nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội như Facebook thường có xu hướng mắc các căn bệnh rối loạn ăn uống.
Các nữ sinh thường có xu hướng ngày càng coi trọng hơn tới “like” (lượt yêu thích) đối với các bức hình cá nhân và những status (dòng tâm trạng) đăng tải trên mạng xã hội này. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới ý thức của họ về ngoại hình và ảnh hưởng luôn tới chế độ ăn uống hàng ngày.
Tiến sĩ Pamela Keel thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Hơn 95 phần trăm nữ sinh trong nghiên cứu của chúng tôi có sử dụng Facebook, và những người có tài khoản Facebook thường dành 20 phút trong một lần truy cập, với tổng thời lượng là hơn một tiếng mỗi ngày.”
Tiến sĩ Keel nhận thấy nữ sinh dành phần lớn thời gian trên Facebook quan tâm tới các vấn đề ngoại hình là người có xu hướng mắc rối loạn ăn uống.
“20 phút sử dụng facebook mỗi lần đã góp phần làm gia tăng mối lo lắng về cân nặng, hình dáng … của các nữ sinh. Và sau đó là họ lo âu hơn tới những gì mà họ đang ăn, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn ăn uống”, cô Pamela Keel cho hay.
“Khi mà những nhà nghiên cứu và các dược sĩ cố gắng tìm hiểu và loại bỏ những yếu tố gây rối loại ăn uống, chúng ta cần quan tâm hơn tới vai trò của mạng xã hội trong đời sống giới trẻ”, cô bổ sung thêm.
Đây cũng không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra sự liên quan giữa mạng xã hội hay truyền thông đối với sự phát triển của rối loạn ăn uống. Trước đó, tháng 12/2013, Tạp chí CyberPsychology cũng đưa ra nghiên cứu cho kết quả tương tự. Các nhà khoa học thực hiện công trình này còn khẳng định người dùng facebook đã tự cho rằng mình quá béo hay quá gầy, hay chưa đẹp bởi những lời nhận xét hay số lượng “like” trong những bức ảnh được chia sẻ cho bạn bè.
Trần Hằng
Theo Dailymail