Roche tích cực đóng góp cho hoạt động hiến máu và sàng lọc máu tại Việt Nam
(Dân trí) - Roche Việt Nam tổ chức chương trình Hiến máu Nhân đạo với thông điệp “Một lần hiến máu, giúp được ba người” lần thứ 8, phối hợp cùng tòa nhà Pearl Plaza và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM.
Toàn bộ lượng máu hiến tặng trong chương trình sẽ được sàng lọc bằng xét nghiệm huyết thanh học ECL và kỹ thuật khuếch đại axit nucleic (NAT) của Roche để sàng lọc các bệnh viêm gan B, C, HIV, giang mai… Những xét nghiệm tiên tiến này giúp gia tăng khả năng phát hiện vi-rút lây bệnh có trong máu hiến nhanh hơn. Điều này có ý nghĩa to lớn, giúp bệnh nhân nhận được nguồn máu truyền an toàn, kịp thời, đảm bảo sức khỏe.
Kỹ thuật NAT là một trong những công nghệ sàng lọc máu tiên tiến nhất thế giới hiện nay, có độ chính xác, độ nhạy cao, rút ngắn thời gian phát hiện vi-rút ở giai đoạn cửa sổ. Cụ thể, kỹ thuật NAT có thể phát hiện vi-rút HIV trong giai đoạn cửa sổ trong 11 ngày sau khi phơi nhiễm, trong khi các kỹ thuật khác mất 18-21 ngày. NAT phát hiện vi-rút viêm gan siêu vi B, C trong 34 ngày và 23 ngày, thay vì 59 ngày và 82 ngày so với kỹ thuật trước đây.
Bộ Y tế cũng ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng kỹ thuật NAT tại các trung tâm truyền máu, khoa xét nghiệm sàng lọc máu của bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể. Kỹ thuật NAT sẽ được thực hiện cho mọi đơn vị máu hiến, đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho người bệnh.
Tham gia hiến máu tại sự kiện, anh Phan Anh Tú cho biết: “Là một người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe, tôi rất sẵn lòng và tự hào tham gia các hoạt động giàu ý nghĩa như thế này. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cánh tay thiện nguyện cùng tiếp sức để tinh thần "tương thân tương ái" được lan tỏa mạnh mẽ, giúp đỡ kịp thời các bệnh nhân, cùng xây dựng một môi trường sống khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn.”
Theo tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80 người bệnh thì có một người cần điều trị bằng máu và các chế phẩm máu. Tương đương cứ 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 7.000 người cho máu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu. Mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình 7 người vào bệnh viện có 1 người cần tiếp máu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu này, nguồn máu dự trữ tại các trung tâm y tế và bệnh viện không đủ để cung ứng khi nhu cầu được truyền máu tăng cao, đặc biệt là trong thời gian hè, lễ, Tết.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM khuyến khích mọi người cùng chia sẻ những giọt máu của mình cho các bệnh nhân đang cần đến. Ông tin rằng tinh thần sẵn sàng chia sẻ yêu thương là một phần trong từng con người Việt Nam.