Robot phẫu thuật lần đầu cắt dạ dày bị ung thư

(Dân trí) - Ca bệnh đầu tiên được robot phẫu thuật cắt ung thư dạ dày đã thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM. Với ưu điểm ít xâm lấn, loại bỏ được hoàn toàn u ác tính

Robot phẫu thuật lần đầu cắt dạ dày bị ung thư - 1

Người bệnh được gây mê trước khi bước vào cuộc mổ

Người đầu tiên được thực hiện kỹ thuật hiện đại này là ông N.V.C. (54 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp). Trước đó, người bệnh có biểu hiện ăn không ngon miệng, khó tiêu nên đến bệnh viện kiểm tra. Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, bệnh nhân được bác sĩ xác định bị ung thư hang vị giai đoạn III - ung thư phổ biến nhất trong các loại ung thư dạ dày .

Sau khi bác sĩ tư vấn về các giải pháp can thiệp, điều trị, người bệnh quyết định lựa chọn phẫu thuật robot. Sáng 20/3, sau thủ thuật gây mê, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa đã điều khiển robot phẫu thuật cắt dạ dày bị ung thư cho người bệnh. Cuộc mổ diễn ra trong 4 tiếng, ê kíp phẫu thuật tiến hành cắt 2/3 dại dày vùng môn vị, loại bỏ triệt để hạch chứa tế bào ung thư, đồng thời nối hổng tràng với vùng thượng vị dạ dày còn bảo tồn do chưa bị ung thư tấn công.

Robot phẫu thuật lần đầu cắt dạ dày bị ung thư - 2

Phẫu thuật viên chính, ngồi điều khiển robot ở vị trí cách xa bệnh nhân

Theo BS.CKII Hoàng Vĩnh Chúc, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, phẫu thuật robot là phương pháp phẫu thuật tương tự hình thức phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều ưu điểm bởi hệ thống camera rõ nét độ phóng đại gấp 12 lần, cánh tay robot có khả năng gập duỗi, xoay 540 độ, giúp bác sĩ nhìn rõ trường mổ, loại bỏ triệt để khối u, hạch ung thư, ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh hơn.

Robot phẫu thuật lần đầu cắt dạ dày bị ung thư - 3

Các bác sĩ chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho cuộc mổ

Cũng theo BS Chúc, sau phẫu thuật, chức năng tiêu hóa của người bệnh vẫn duy trì. Nhưng người bệnh sẽ gặp phải một số hạn chế do vùng dạ dày chỉ còn 1/3 nên phải ăn thành nhiều bữa. Mặt khác, vùng môn vị với chức năng co bóp làm nhuyễn thức ăn trước khi đổ vào tá tràng bị cắt, vùng thượng vị dạ dày nối trực tiếp với hổng tràng sẽ khiến việc tiêu hóa thức ăn của người bệnh khó khăn hơn.

Bệnh nhân ung thư, sau phẫu thuật sẽ tiếp tục điều trị chuyên sâu bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị... Công đoạn phẫu thuật loại bỏ triệt để hạch ung thư sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát.

Robot phẫu thuật lần đầu cắt dạ dày bị ung thư - 4

Trường mổ được nhìn rõ giúp phẫu thuật triệt để hạch ung thư

Ung thư da dày là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư hệ tiêu hóa. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên ăn nhiều rau - củ - quả, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia hoặc các đồ ăn nướng, hun khói, các thực phẩm ướp nhiều muối như dưa, mắm... Những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền căn gia đình có người ung thư dạ dày, tiền căn nhiễm helicopacter pylori... cần thăm khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ kịp thời phát hiện, điều trị.

Vân Sơn