Rét đậm, người già và trẻ em nhập viện hàng loạt
(Dân trí) - Vừa mới ngày đầu của đợt rét đậm mới, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng. Nhiều viện chỉ còn cách chuyển bệnh nhân điều trị đã đỡ hơn ra ngoại trú, để “nhường” giường cho bệnh nhân mới.
Giường bệnh đạt công suất tối đa
Tại Khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai, các bàn chỉ dẫn, các ô phát phiếu khám đều chật ních người. Nhà xe của viện vốn khá rộng rãi giờ cũng phải chen chân mới có được một chỗ gửi.
Mấy ngày này, trung bình viện đón 1.500 lượt bệnh nhân đến khám/ngày. Riêng Khoa Hô hấp, lúc nào cũng ở tình trạng quá tải. Bệnh nhân tim mạch càng gia tăng trong thời điểm lạnh buốt này, với khoảng trên 100 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân chủ yếu là người già và trẻ con, tập trung ở các bệnh tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp.
Bà Tạ Thị Hồng, 54 tuổi, đến từ Yên Lạc, Vĩnh Phúc đi khám khớp đợi từ sáng đến gần trưa mới lấy được số thứ tự khám. Nhưng do quá đông, đến đầu giờ chiều mới đến lượt, bà lại phải cùng cô con dâu đi ăn cơm bụi đợi đến chiều.
Bà Hồng vốn bị viêm khớp dạng thấp mãn tính. Ngay đợt lạnh trước, bà đã bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân nhưng vì trời lạnh, ngại đi khám xa, nên giờ khi mà khớp đã quá sưng đau bà mới đi khám. Thời tiết lạnh, buốt, đứng lâu càng khiến bà đi lại khó khăn hơn.
Tại BV Nhi Trung ương, tình trạng cũng không khá hơn, nhất là tại Khoa Hô hấp, quá tải tới 160%. TS Lê Thị Minh Hương, Phó trưởng khoa cho biết: “Những ngày gần đây, mỗi ngày Khoa Hô hấp tiếp nhận khoảng 40 - 60 bệnh nhân nặng, phải điều trị nội trú. Các cháu bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, khó thở độ 1 trở lên, hoặc ho sốt trên 3 ngày chưa rõ nguyên nhân.
Phần lớn là bệnh nhân là các cháu bé dưới 2 tuổi, hoặc dưới 5 tuổi, do sức đề kháng của cháu còn yếu. Khoa chỉ có 30 giường bệnh nên khi bệnh đỡ, phải chuyển ra ngoại trú để giảm tải và các cháu đỡ bị lây chéo các bệnh khác”.
Đứng mếu máo ngay trước khoa khám bệnh, chị Hằng ôm cô con gái nhỏ 5 tuổi cho biết, con chị bị nghẹt mũi rồi ho liên tục hai ngày nay. Nhà xa, chị muốn nhập viện để điều trị cho yên tâm mà bác sĩ không đồng ý do bệnh của bé không đến mức phải nằm viện, trong khi tình trạng bệnh viện lại đang rất quá tải. Chỉ uống thuốc theo đơn và tái khám sau 5 ngày. Hai mẹ con chị lại lóc cóc ra bến xe về Hà Nam trong tiết trời giá rét.
Thời tiết rét hại kèm mưa phùn cũng là nguyên nhân khiến nhiều bậc cao niên đổ bệnh. TS Đỗ Thị Khánh Hỷ, Viện phó Viện Lão khoa TƯ cho biết, 100% giường bệnh tại Viện đã kín chỗ. Công suất chỉ cho 100 giường, nhưng bệnh viện đã phải đặt thêm 12 giường để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Các bệnh chủ yếu hay gặp ở người già trong thời điểm này là bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phổi.
“Chúng tôi phải sàng lọc bệnh nhân rất kỹ, chỉ những trường hợp thật cần thiết mới cho điều trị nội trú. Vì viện vốn đặc trưng điều trị cho người già (hầu hết bệnh nhân đều trên 60 tuổi) nên chúng tôi không bắt bệnh nhân nằm ghép giường. Khi giường đã kín chỗ thì không nhận thêm bệnh nhân. Hoặc cho xuất viện những ca đã đỡ hơn để có chỗ tiếp nhận bệnh nhân mới”, TS Hỷ nói.
Trẻ, già đều cần phòng bệnh hô hấp
Đó là khuyến cáo của các bác sĩ trong thời điểm rét đậm, rét hại của mùa đông miền bắc. Trẻ em và người già là hai đối tượng dễ bị các bệnh hô hấp nhất do sức đề kháng yếu. Khi bị mắc bệnh, triệu chứng thường nặng nề hơn so với các lứa tuổi khác.
TS Đỗ Thị Khánh Hỷ đưa ra lời khuyên, để phòng bệnh hô hấp ở người già, ngoài việc giữ ấm cơ thể, người già cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ăn đồ dễ tiêu và cần ghi nhớ luôn phải ăn, uống đồ ấm. Ăn tốt, giàu dinh dưỡng sẽ giúp người già tăng thêm sức đề kháng của cơ thể để chống đỡ với bệnh tật. Đồng thời cũng cần chú ý đến sinh hoạt. Nhất là từ bỏ thói quen ra ngoài trời tập thể dục vào sáng sớm, khi trời còn rất sương và gió mạnh. Chỉ nên tập những động tác nhẹ nhàng ngay trong phòng.
Đau xương khớp cũng là một căn bệnh phổ biến của người già trong thời điểm này. GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, cho biết, chính tiết trời lạnh kèm theo mưa phùn là “thủ phạm” gây nên những cơn đau khớp. Do vậy, những người bị viêm khớp dạng thấp tuyệt đối không được ra ngoài khi trời lạnh kèm theo mưa phùn. Bởi những lúc trời lạnh, độ ẩm cao thì tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Có thể làm giảm cơn đau khớp bằng cách ngâm chân bằng nước muối ấm pha gừng. Mỗi ngày, tốt nhất ngâm chân một lần vào thời gian thuận lợi, ngâm từ 15 - 30 phút. Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau và phòng bệnh đau khớp cổ chân. Người bệnh cũng nên phối hợp dùng thuốc và luyện tập, xoa bóp để khớp được vận động linh hoạt. Các bài tập giúp cải thiện vận động và giảm cứng khớp đặc biệt là vào buổi sáng sớm.
Ngoài ra, người già cần phòng bệnh tai biến mạch máu nãu trong thời tiết giá rét. BS Hỷ cho biết, tai biến mạch máu não đang có xu hướng gia tăng khi thời tiết trở lạnh.Tại Viện, trong những ngày giá rét gần đây số bệnh nhân nhập viện điều trị vì tai biến tăng đáng kể (khoảng 25% - 30%).
Hồng Hải