Rét buốt kéo dài, nhiều trẻ bị viêm phổi

(Dân trí) - Số trẻ phải nhập viện vì viêm phổi tăng gấp đôi ngày thường. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh buốt kéo dài, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ trở bệnh.

Viêm đường hô hấp “hoành hành”

Chiều 3/1, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, mấy ngày nay, thời tiết rét đậm, số trẻ tới khám và phải nhập viện tăng cao so với ngày thường. “Những ngày trước, trung bình một ngày khoảng 200 trẻ đến khám, ba ngày trở lại đây đã tăng lên 300 trẻ. Riêng khám buổi đêm qua đã có tới 100 trẻ, trong đó, nhiều trẻ bị viêm phổi và tiêu chảy vi rút, khoảng 15 bệnh nhi phải nhập viện mỗi ngày”, TS Dũng nói.
 
Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì viêm phổi. Ảnh: H.Hải
Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì viêm phổi. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, tại BV Nhi TƯ, số trẻ đến khám trong đợt lạnh buốt này ổn định, duy trì ở mức 2.000 - 2.500 bệnh nhi đến khám một ngày. “Bệnh nhân đến khám mấy ngày hôm nay tương đối ổn định. Riêng những ngày rét đậm số bệnh nhi thậm chí giảm hơn bởi những bệnh nhi mắc các bệnh mãn tính gia đình thường hoãn, không đi khám vào những ngày quá rét”, BS.Ths Trần Văn Học, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Nhi TƯ) cho biết.

Đặc biệt, trong tổng số bệnh nhân đến khám thì đến hơn 1/3 bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Trong đó, rất nhiều ca viêm phổi nặng phải nhập viện. Tính đến thời điểm hiện tại, khoa Hô hấp (BV Nhi TƯ) phải điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân viêm phổi nặng. Khoa phải kê thêm giường để bệnh nhi không phải nằm ghép, thậm chí tận dụng giường bệnh tại khác khoa điều trị bệnh mãn tính khác cho bệnh nhi hô hấp nằm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, gấp đôi ngày thường. Đó mới chỉ tính số bệnh nhân vào viện, chưa kể số bệnh nhi viêm phổi mức độ nhẹ hơn không phải nằm viện, trẻ có thể điều trị ở nhà. Tiếp đó là bệnh nhân hen cũng tăng, bởi khi thời tiết thay đổi, rét lạnh tăng lên, trẻ dễ lên cơn hen cấp. Tiếp đến phải kể đến các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là trẻ nhỏ là viêm tiêu phế quản, trẻ lớn viêm mũi. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh lý về tiêu hóa, tiêu chảy do vi rút Rota cũng tăng lên”.

Theo TS Dũng, những bệnh lý này vốn gặp quanh năm, nhưng thời điểm lạnh này, số bệnh nhân tăng lên khiến khoa lâm vào tình trạng quá tải.

“Đó là chúng tôi đã rất căn ke tiêu chuẩn nhập viện, phân loại kỹ càng, những bệnh nhi đã đỡ, không còn phải tiêm chỉ cần uống thuốc thì được cho ra viện để nhường giường bệnh cho trẻ khác”, TS Dũng nói.

Quan trọng nhất là giữ ấm

TS Dũng khẳng định, với trẻ nhỏ, trong thời điểm này việc quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể. Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, từ sáng 3/1, lại tiếp tục có thêm không khí lạnh tăng cường về miền Bắc, duy trì trạng thái rét đậm, rét hại khắp các địa phương. Trong khi nền nhiệt tại miền Bắc đã ở ngưỡng thấp, có thêm không khí lạnh tăng cường càng hạ sâu, khu vực Hà Nội thấp nhất 10 độ C nên càng phải chú trọng vấn đề giữ ấm cho trẻ nhỏ, giữ ấm đầu, cổ, ngực, chân tay.

Vì thế, với trẻ nhỏ, có việc cần thiết mới cho trẻ ra khỏi nhà. Với trẻ đi học, buổi sáng buốt, sương lạnh phải giữ ấm tuyệt đối cho trẻ. Nhiều bố mẹ chủ quan, mặc ấm cho trẻ nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu, trẻ cũng có thể nhiễm lạnh và đổ bệnh.

Đặc biệt trong chuyện tắm cho trẻ, trẻ nhỏ cách ngày tắm một lần nhưng cần lưu ý phòng tắm đóng kín, tránh gió lùa. Nhà cửa phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá. Nhất là buổi sáng ngủ dậy, nhiều người vẫn chủ quan rót nước trong bình cho trẻ uống, trong khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp, nước lạnh không kém gì nước để trong tủ lạnh, uống phải nước này trẻ hoàn toàn có nguy cơ viêm họng.

Còn khi trẻ có dấu hiệu ốm, cần khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nhất là với trẻ bị viêm đường hô hấp trên, xổ mũi, việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng nhưng phải đúng cách. Không ít bà mẹ cứ sẵn lọ nước muối, đè con ra nhỏ mũi, không thấy đỡ mà càng thấy nặng lên, căn nguyên do nước muối lạnh, trẻ càng bị nặng hơn. Vì vậy, cần ngâm lọ nước muối trong nước ấm, tan giá, thử giọt lên mu bàn tay thấy hơi âm ấm là có thể nhỏ mũi cho trẻ.

“Khi thấy trẻ có biểu hiện nặng lên, ở trẻ nhỏ thì bé thể hiện khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”, TS Dũng cảnh báo.

Hồng Hải