“Rau quả thiếu an toàn làm lòng dân bất an!”

(Dân trí) - “Được cung cấp rau quả tươi an toàn khi bỏ tiền ra mua là quyền lợi của người dân. Thế nhưng, những thông tin và phát hiện về chất bảo quản, các loại hoá chất khác có trong rau quả đã lấy mất lòng tin của nhiều người”.

Nhà Văn hoá Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng thiếu VSATTP nói chung và sự bỏ ngỏ trong kiểm soát chất lượng của rau quả trên thị trường nói riêng. Ông Quốc kể rằng món rau mà gia đình ông thường xuyên sử dụng là... đậu phụ, bởi nó có vẻ an toàn hơn cả!

Tại kỳ chất vấn Quốc hội vừa diễn ra, nhiều đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng chịu trách nhiệm về vấn đề ATVSTP, trong đó có sự an toàn của rau quả nội địa và nhập khẩu. Tuy nhiên, câu hỏi dù đã được chuyển đến 3 Bộ trưởng (Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Công Thương) nhưng vẫn không nhận được câu trả lời xác đáng. Vì sao vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân lại ở trong tình trạng khó giải quyết đến thế?

Không thể phủ nhận ATVSTP, đặc biệt là chất lượng của rau quả nội địa và nhập khẩu liên quan mật thiết đến đời sống và sức khoẻ của người dân. Việc một số người sản xuất hoặc buôn bán rau quả sử dụng hoá chất để tăng trọng hoặc kéo dài độ tươi đã làm tổn hại đến lòng tin trong xã hội, đánh cắp sức khoẻ của người tiêu dùng.

Trong khi đó, hành lang pháp luật lại không cụ thể và cũng chưa lập ra được hệ thống kiểm soát chất lượng hoa quả khép kín nên đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng như hiện nay.

Trên thực tế, đây không phải là vấn đề không thể khắc phục mà bởi chúng ta chưa đưa ra được những biện pháp mạnh. Cụ thể, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của người sản xuất đối với rau, quả mà họ trồng. Người sản xuất phải thực hiện những cam kết về sự an toàn đối với mỗi loại mà họ cung cấp. Để làm tốt vấn đề này cần có sự vào cuộc ráo riết của ngành Nông nghiệp.

Nhưng theo tôi, khâu lưu thông hàng hoá trên thị trường, tức là vấn đề quản lý thị trường của Bộ Công thương mới là vấn đề then chốt nhất. Nếu có những điều luật rõ ràng trong quản lý gian lận thương mại, bộ máy quản lý thị trường siết chặt hơn đối với những đối tượng tham gia lưu thông hàng hoá. Mọi thủ tục chứng minh sự an toàn của rau quả nội, ngoại đều được tiến hành đồng bộ, quy mô thì sẽ không còn tình trạng hỗn loạn chất lượng trên thị trường.

Nên nhận thấy vai trò của người thực hiện khâu lưu thông hàng hoá rất quan trọng. Bởi những người bán hàng trực tiếp có quyền lựa chọn, chỉ vận chuyển đến tay người tiêu dùng các sản phẩm rau quả an toàn. Những sản phẩm không an toàn nếu bị tẩy chay không còn chỗ đứng sẽ tự tiêu diệt mình. Ngược lại, khi hàng hoá độc hại, vẫn có chỗ đứng và chiếm lĩnh lợi thế trên thị trường thì người sản xuất ra sản phẩm tốt, an toàn lại bị cô lập, cái ác nghiễm nhiên tồn tại và cái thiện lại trở thành bất khả thi. Đây thực sự là hiện thực đau lòng!

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú, trong đó khoảng 100 - 200 người bị ung thư vì rất nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng 30 - 35% là do thực phẩm.

 

Theo đó, khi ăn những thực phẩm có hóa chất độc hại, cơ thể không có khả năng tự đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa mà tích tụ lại trong gan, tủy, xương, mô... hoặc ngấm vào các cơ quan nội tạng khác.

 

Những hóa chất độc hại được sử dụng trong bảo quản rau, củ, quả sẽ làm biến đổi gene, khiến những tế bào của cơ thể phát triển bất thường, đây là căn nguyên dẫn tới bệnh ung thư.

Trong khi rau quả nhập ngoại đặc biệt là nguồn hàng nhập từ Trung Quốc hầu như không thể kiểm soát, tình trạng trong nước cũng không khá gì hơn. Đa số nơi sản xuất rau nội địa đều lại nhỏ lẻ, manh mún, không thể kiểm soát. Bộ, ngành nào cũng kêu than thiếu phương tiện, nhân lực, việc kiểm soát phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác...?

Vấn đề kiểm soát nguồn rau quả nhập khẩu là trách nhiệm của ngành Công thương, của lực lượng hải quan, biên phòng...

Tại nội địa, ngành trồng trọt nên phát triển theo mô hình hợp tác xã. Đây là mô hình tiên tiến nhất trên thế giới nhưng hiện mô hình này ở nước ta bị ác cảm và thường bị hiểu sai lệch nên nó cứ thui chột đi. Nếu cứ để tình trạng các hộ trồng rau, quả sản xuất kiểu manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì quả là rất khó quản lý và không thể phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội được. Vậy thì chỉ có những người nhập khẩu rau, quả là hưởng lợi nhiều nhất.

Nghĩa là, cần có sự điều chỉnh và nâng cao năng lực sản xuất rau, quả nội địa bên cạnh những chế tài mạnh về kinh tế, quyết liệt về luật thì người dân mới có thể được ăn những loại thực phẩm, rau quả tốt lành?

Cấp thiết phải làm ngay, làm mạnh. Luật là do con người tạo ra. Vì vậy Luật phải phục vụ lợi ích của cộng đồng. Dư luận xã hội cũng cần phải mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này thì mới có thể giúp cái thiện chiến thắng cái ác.

Xin cảm ơn ông!

P. Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm