Rau mùi và 5 lợi ích sức khỏe
(Dân trí) - Rau mùi không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc quý bởi mang nhiều lợi thế sức khoẻ, đặc biệt 5 lợi ích dưới đây đã được khoa học kiểm chứng.
Vài nét về rau mùi
Rau mùi hay còn gọi là ngò, ngò rí, hồ tuy, mùi tui, mùi ta, nguyên tuy, hương tuy....là loài cây thân thảo sống thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc từ Tây Nam Á, châu Phi. Cây cao 30- 50 cm, thân nhẵn, phía trên phân nhánh. Lá ở gốc có cuống dài, có 1 đến 3 lá chét, hình hơi tròn, xẻ thành 3 thùy có khía răng to và tròn. Hoa màu trắng hay hơi hồng, hợp thành tán gồm 3-5 gọng, không có tổng bao, tiểu bao gồm 2-3 lá chét đính ở một phía. Quả bế đôi hình cầu, nhẵn và dài 2- 4 mm, gồm hai nửa, mỗi nửa có bốn sống thẳng và hai sống chung cho cả hai nửa.
Đúng như tên gọi, cây có mùi thơm, thường được trồng làm rau và gia vị. Ở nhiều nước vùng ven Địa Trung Hải, Trung Á, Ấn Độ và Trung Quốc, mùi được trồng quy mô lớn để lấy quả làm thuốc và chưng cất lấy tinh dầu dùng trong công nghiệp làm nước hoa. Ngoài ra, người ta còn dùng cả rễ và lá để làm thuốc, đặc biệt là tác dụng kích thích tiêu hóa và lợi sữa.
Theo trang tin NaturalNews, người Hy Lạp cổ đại sử dụng tinh dầu mùi như một thành phần nước hoa, còn người La Mã cổ đại sử dụng nó để át mùi khó chịu.
5 lợi ích sức khoẻ chính của rau mùi
Khử kim loại nặng cho cơ thể
Theo Trung tâm y học Global Healing Center của Mỹ, rau mùi là chất giải độc, khử kim loại nặng và tác nhân chelat rất hiệu quả. Các hợp phần đặc biệt trong rau mùi có thể gom độc tố kim loại và thải ra ngoài, nên làm giảm cảm triệu chứng chóng mặt do bị phơi nhiễm thủy ngân.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Acupuncture & Electro-therapeutics Research, nếu dùng thường xuyên rau mùi tươi hoặc nấu chín, hay nước ép, sẽ có tác dụng tăng tốc loại bỏ thủy ngân và chì ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu.
Khắc phục các vấn đề tiêu hóa
Theo tiến sĩ James A. Duke, chuyên gia sinh học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, tác giả của nghiên cứu mang tên The CRC Handbook of Medicinal Herbs (Sổ tay sử dụng thảo dược CRC) thì khi thấy khó chịu hoặc đau dạ dày, nên uống một cốc nước ép lá rau mùi sẽ cảm thấy dễ chịu chịu ngay lập tức.
Giảm lo âu, bồn chồn
Phải nói ngay rằng các loại thuốc tây tác động không nhỏ đến tinh thần, nên được xem là con dao hai lưỡi, thậm chí có thể gây ra suy nghĩ tiêu cực hoặc quyên sinh. Bởi vậy, mối quan tâm đến thảo dược tự nhiên, thuốc trị bệnh có nguồn gốc cây trồng ngày càng được chú trọng. Theo các chuyên gia ở Đại học Suresh Gyan Vihar, Ấn Độ chiết xuất từ rau mùi có tác dụng chống lo âu không khác gì thuốc an thần diazepam.
Một trong những cách tốt nhất để tầm soát hệ thống thần kinh và phòng ngừa chứng lo âu, bồn chồn hay những cơn hoảng loạn là xịt tinh dầu rau mùi khắp trong căn phòng đang ở.
Giúp bảo vệ da nhờ hoạt tính chống ôxy hóa
Từ lâu, rau mùi được biết đến là có khả năng bảo vệ da khỏi những tổn thương do gốc tự do gây ra, thậm chí có thể dẫn đến các bệnh về da, kể cả ung thư. Theo một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ 2011, các hợp chất hóa học có trong rau mùi có thể bảo vệ các tế bào keratin bị tổn thương bởi ôxy hóa và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục các tế bào da bị tổn thương.
Phòng ngừa bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Food Science của Mỹ, ngoài những tác dụng nói trên, rau mùi còn được xem là thảo dược chống tiểu đường tuyệt vời nhờ đặc tính chống ôxy hóa mạnh mẽ và khả năng hạ đường huyết cũng như cholesterol (mỡ máu).
Kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu trên chuột, so sánh với tác dụng chống đái tháo đường của rau mùi với tác dụng lâm sàng của thuốc glibenclamide. Kết quả, rau mùi không chỉ bảo vệ chức năng gan, mà còn làm hạ đường huyết, hạn chế tình trạng máu nhiễm mỡ, và hiệu ứng chống oxy hóa, giảm được bệnh đái tháo đường ở những con chuột đã mắc bệnh.
Ngoài ra, rau mùi còn làm tăng hương vị cho thức ăn, cung cấp nguồn bổ xung như măng gan, vitamin A và B-9 (folate), vitamin K cần thiết cho cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh cục máu đông và giúp xương chắc khỏe.
KN
Theo Naturalnews.com - 8/2016