1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rác thải y tế đang "đầu độc" môi trường sống

(Dân trí) - Không được đầu tư hệ thống xử lý, rác thải y tế đang được vô tư chôn lấp, tiêu hủy sơ sài, xả thẳng ra môi trường. Hành vi vô tình hoặc cố ý của các cơ sở khám chữa bệnh đã “tiếp tay” giúp mầm bệnh phát tán gây họa cho người dân.

Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 13.000 bệnh viện có giường bệnh và phòng khám tư nhân. Mỗi ngày, các bệnh viện thuộc tuyến trung ương thải ra khoảng hơn 7 tấn rác, bệnh viện địa phương 38 tấn rác. Cùng với đó là nguồn nước thải khổng lồ với mức độ 30.000m3 - 100.000m3 ở tuyến trung ương, địa phương. 

Theo quy định, rác thải y tế phải được phân loại thành 5 nhóm: Rác thải lây nhiễm; các vật sắc nhọn; rác thải từ phòng thí nghiệm; rác từ dược phẩm; rác thải bệnh phẩm. Cùng với việc phân loại, mỗi loại rác thải khác nhau cần phải có quy trình xử lý đúng cách để hạn chế tối thiểu những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư những hệ thống xử lý đạt chuẩn nên còn rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vi phạm quy định về xử lý rác thải.

Các cơ sở y tế cần được trang bị hệ thống xử lý nước thải và rác thải
Các cơ sở y tế cần được trang bị hệ thống xử lý nước thải và rác thải

Theo thông tin công bố của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) trong Hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp cho rác thải y tế diễn ra tại TPHCM ngày 19/9: “Hiện mới có 69% bệnh viện, 32% cơ sở y tế dự phòng thuê xử lý chất thải hoặc tự xử lý. Các cơ sở còn lại đang xử lý nguồn rác thải y tế bằng cách chôn lấp, đốt thủ công… chủ yếu là những cơ sở ở vùng sâu vùng xa hoặc các trạm y tế phường xã”.

Về vấn đề xử lý nước thải y tế hiện có 65,3% các bệnh viện có hệ thống xử lý; hệ dự phòng mới chỉ có 15% được trang bị; 50% cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống xử lý nước thải. Số cơ sở y tế còn lại đang xả thẳng nguồn nước mang mầm bệnh chưa qua xử lý vào môi trường.  Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý là vấn đề gây bức xúc cho người dân vì nó gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Rác thải được chôn lấp, nước xả ra môi trường sẽ thẩm thấu, lâu ngày có thể ảnh hưởng đến mạch nước ngầm được con người sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.

Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, e.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi rú bại liệt… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Bệnh tật sẽ tấn công con người khi ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh. Trên thực tế, môi trường ô nhiễm trong đó có sự “tiếp tay” của chất thải y tế đang tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người.

Rác thải phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh
Rác thải phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh

Những nguy hiểm trên là rất rõ ràng song việc triển khai đầu tư các hệ thống xử lý rác thải nhiều nằm qua đang “ì ạch”. “Nhiều bệnh viện đốt rác thải khói bay mù trời, mùi hôi nồng nặc… người dân bức xúc vác đất đá ném vào bệnh viện để phản đối. Chúng tôi hỏi thì bệnh viện trả lời thẳng thừng: Tiền mua thuốc điều trị còn không đủ lấy đầu ra khoản để đầu tư cho xử lý rác thải.” Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Trưởng phòng quản lý, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Anh, việc xả thải ra môi trường của các cơ sở y tế là “thói quen” từ lâu, trong khi đó Cục quản lý Môi trường Y tế mới thành lập được 3 năm qua nhân sự còn thiếu và yếu nên chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản nhưng còn thiếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn về chuyên môn… nên không thực hiện được.

Để đầu tư một hệ thống xử lý rác thải không chỉ tốn nhiều chi phí mua sắm mà còn tốn chi phí vận hành bảo dưỡng nên các cơ sở y tế cố tình “chây ì”. Sự thờ ơ của nhưng đơn vị có liên quan giúp chất thải từ các cơ sở khám chữa bệnh quay lại gieo mầm bệnh gây họa cho người dân.

Vân Sơn