Quy trình rút ngắn "giờ vàng" điều trị đột quỵ
(Dân trí) - Code Stroke, mô hình cấp cứu đột quỵ theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới, được áp dụng tại một số bệnh viện ở Việt Nam.
Ứng dụng quy trình có thể giúp rút ngắn "giờ vàng" cấp cứu xuống 30-45 phút, đồng thời đảm bảo can thiệp tái thông mạch máu não diễn ra trong 120 phút, tăng khả năng sống và phục hồi cho người bệnh.
Cấp cứu đột quỵ: Thời gian là tế bào não
Tại hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức diễn ra ngày 20/4 tại TPHCM, các chuyên gia y tế cảnh báo: đột quỵ tiếp tục là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với trên 200.000 ca mắc mới mỗi năm.
Tỷ lệ mắc mới, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người và trung bình mỗi 3 giây có một ca đột quỵ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu được điều trị trong "giờ vàng" - khoảng 4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng - người bệnh có cơ hội phục hồi đáng kể.

TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ trình bày tham luận tại hội thảo ngày 20/4 (Ảnh: HM).
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ nhấn mạnh: "Não bộ có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và mỗi phút mạch máu não bị tắc, gần 1,9 triệu tế bào có thể tổn thương. Can thiệp sớm giúp hạn chế di chứng nặng nề và mang lại khả năng hồi phục gần như hoàn toàn".

Các bác sĩ của Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ tại Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" ngày 20/4 (Ảnh: HM).
Minh chứng cho hiệu quả của việc xử trí kịp thời là trường hợp bà H.T.N (69 tuổi, Trà Vinh). Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long sau khi có dấu hiệu yếu nửa người và nói khó. Nhờ quy trình Code Stroke được kích hoạt ngay khi nhập viện, bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (thuốc làm tan cục máu đông) chỉ sau 30 phút nhập viện. Sau 5 ngày điều trị, bà N. có thể đi lại và giao tiếp bình thường.
Theo BS. CKI Mai Thị Hương Lan, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người dân cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ như: méo miệng, yếu hoặc tê liệt nửa người, nói khó, rối loạn thị lực, chóng mặt đột ngột.... Khi nghi ngờ đột quỵ, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng can thiệp sớm nhất có thể, không nên tự ý điều trị tại nhà.
Thêm trung tâm điều trị áp dụng Code Stroke, giảm gánh nặng đột quỵ
Được triển khai tại Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ từ năm 2017, Code Stroke là mô hình phản ứng nhanh giúp rút ngắn thời gian từ lúc bệnh nhân vào viện đến khi được điều trị. Quy trình bao gồm: nhận diện triệu chứng, chụp CT hoặc MRI não, hội chẩn liên chuyên khoa và chỉ định các can thiệp như dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp tái thông mạch máu não nếu phù hợp.
Theo thống kê từ các bệnh viện thành viên của Hoàn Mỹ áp dụng quy trình này, thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị thường chỉ mất 30-45 phút, ngắn hơn đáng kể so với các mô hình cấp cứu truyền thống.
Việc triển khai hiệu quả Code Stroke không chỉ đòi hỏi quy trình tổ chức chặt chẽ, mà còn cần có hệ thống trang thiết bị hiện đại. Hiện nay, tại 13 bệnh viện thuộc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ có trang bị đồng thời máy MRI và CT scanner để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị chính xác. Riêng 2 đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long còn trang bị máy MSCT đa lát cắt, hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla và hệ thống can thiệp mạch DSA 2 bình diện.

Thiết bị hiện đại, tiên tiến là trợ thủ đắc lực của bác sĩ khi triển khai quy trình Code Stroke (Ảnh: HM).
"Quy trình Code Stroke đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng của Hội Đột quỵ Thế giới kết hợp với công nghệ và trang thiết bị hiện đại sẽ giúp chúng tôi tối ưu thời gian điều trị cho bệnh nhân đột quỵ", TS.BS Nguyễn Tuấn cho biết.
Bên cạnh việc áp dụng quy trình Code Stroke, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ đang hướng đến xây dựng mô hình trung tâm đột quỵ đạt chuẩn quốc tế tại các bệnh viện chủ lực. Việc này bao gồm đầu tư trang thiết bị chuyên sâu, xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tích hợp phần mềm cảnh báo Code Stroke, mở rộng hợp tác nghiên cứu đa trung tâm để chuẩn hóa quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên định kỳ mỗi 6 tháng.
Trong thời gian tới, Hoàn Mỹ dự kiến sẽ triển khai thêm 5 trung tâm đột quỵ ở Vinh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thủ Đức, Đồng Nai. Đây được xem là những bước đi cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu đột quỵ tại Việt Nam.
Việc chuẩn hóa quy trình cấp cứu và đầu tư đúng mức cho các trung tâm đột quỵ tại Hoàn Mỹ được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, tử vong và chi phí xã hội liên quan đến đột quỵ.