1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quốc gia ung thư: Viễn cảnh hay thực tại gần kề?

Phiên họp thường kỳ tháng 7 của chính phủ đã kết thúc với một trong những điểm nhấn là việc công bố những sai phạm về môi trường trong xử lý chôn lấp chất thải rắn độc hại, và chắc chắn những cá nhân, tổ chức đứng sau vụ việc này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân.

Chúng ta đã được nghe nói đến những ngôi làng ung thư, nơi có hàng loạt ca bệnh ung thư được phát hiện gần kề nhau, gây ra nỗi ám ảnh cho người dân. Nhưng ít ai đã từng nghe nói đến khái niệm có quy mô lớn hơn nhiều, đó là “Quốc gia Ung thư – Cancer Country”.

“Nếu không thay đổi, rất có thể đất nước tôi sẽ sớm trở thành một Quốc gia Ung thư”
Nếu không thay đổi, rất có thể đất nước tôi sẽ sớm trở thành một Quốc gia Ung thư”

Lần đầu tiên tôi nghĩ đến khái niệm này đó là lúc tôi nói chuyện với cậu bạn người nước Gabon cùng lớp nghiên cứu sinh với tôi. Khi đó, chúng tôi học tập trung với nhau để cùng tập luyện thuyết trình luận án trong nhiều ngày.

Phòng tôi ở có bốn người đến từ các nước khác nhau, trong đó hai người còn lại từ Pháp và Tây Ban Nha. Vì yêu cầu của khóa học nên chúng tôi buộc phải tập luyện với nhau trong nội bộ phòng để giúp tăng thêm tự tin trước khi thuyết trình chính thức. Nhờ đó, tôi được biết đến đề tài nghiên cứu của anh bạn người Gabon này.

Nước Cộng Hòa Gabon (Ga-bông) nằm ở Trung Phi, trước đây từng là thuộc địa của Pháp. Nhờ có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các mỏ quặng, đất nước này được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng tại châu Phi, với sự hiện diện của nhiều nhà máy công nghiệp của Pháp. Sự phát triển này xuất phát từ lợi ích khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú ở Gabon với mức chi phí nhân lực thấp, dẫn đến việc thu hút đầu tư của các công ty tại Pháp. Mặc dù đã dành được độc lập năm 1960, nhưng nền kinh tế của Gabon vẫn phụ thuộc nhiều vào “nước mẹ” Pháp. Và cái giá phải trả của đất nước này là môi trường và sức khỏe con người.

Nghiên cứu của cậu bạn tôi liên quan đến việc chứng minh sự tồn tại của một nhà máy khai thác quặng là nguyên nhân gây ra ung thư hàng loạt cho một ngôi làng cách đó chừng 5km. Mặc dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi khí thải, song nguồn nước dẫn đến ngôi làng đã bị nhiễm độc khá nặng do các chất thải của quá trình khai thác quặng.

Với hy vọng đòi lại công bằng cho người dân nơi đây, cậu bạn Gabon đã quyết định liều lĩnh đi lấy mẫu ở các nguồn nước thải từ nhà máy, nguồn nước sinh hoạt của người dân, rồi đem về phòng thí nghiệm phân tích thành phần, qua đó chứng minh các độc chất vượt ngưỡng gây bệnh lý cho người dân.

Nhận xét về tính nguy hiểm của đề tài này, cậu ấy nói: “Đã nhiều lần tôi bị đe dọa tính mạng bởi chính công ty kia, nhưng sau khi có sự hỗ trợ từ chính quyền và bạn bè, tôi đều thoát được và hiện giờ đang có nhiều bằng chứng trong tay để buộc tội công ty đó, đòi lại công bằng cho ngôi làng”.

Tôi nghe xong liền hỏi: “Đâu là động lực khiến anh quyết định thực hiện đề tài nguy hiểm này?” Lúc đó, anh ta trả lời: “Nếu như tôi không làm thì một ngày không xa, đất nước tôi sẽ phải trả giá cho sự thịnh vượng trước mắt và biến thành một Quốc gia Ung thư”.

Quốc gia ung thư: Viễn cảnh hay thực tại gần kề? - 2

Năm 2012, một thống kê toàn cầu về tình trạng ung thư trên thế giới được thiết lập, trong đó Đan Mạch đứng đầu danh sách các Quốc gia Ung thư, tiếp đó là các quốc gia phát triển khác. Đáng ngạc nhiên là các quốc gia châu Phi chỉ nằm ở cuối danh sách và không có đầy đủ dữ liệu về tỷ lệ lưu hành ung thư trong cộng đồng. Nếu chỉ nhìn vào danh sách này, chúng ta sẽ vội vàng kết luận: ung thư chỉ là vấn đề của các quốc gia phát triển. Không phải như vậy.

Những báo cáo gần đây nhất cho thấy các quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với sự gia tăng các căn bệnh ung thư và đang dần “bắt kịp” con số so với các quốc gia phát triển.

Một thống kê năm 2008 cho thấy mặc dù số ca ung thư của châu Phi thấp hơn so với Mỹ, nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều, thậm chí có những nhóm ung thư, con số tử vong tuyệt đối cao hơn so với Mỹ.

Nguyên nhân được đề cập đến trong các báo cáo bao gồm: 1.Sự phát triển dần về khả năng chẩn đoán chính là lý do khiến cho hàng loạt các ca bệnh ung thư được khẳng định, qua đó gia tăng nhanh chóng tỷ lệ này. 2. Người bệnh thường đến ở giai đoạn muộn. 3. Biến đổi môi trường do hoạt động đầu tư và khai thác gây ra những hậu quả về sức khỏe. 4. Sự thay đổi và du nhập các lối sống không lành mạnh đi cùng với sự phát triển kinh tế.

Tất cả những điểm trên cho thấy, sự phát triển nóng cho phép đầu tư công nghiệp cũng như khai thác môi trường cần phải được tính toán kỹ lưỡng về hậu quả để lại cho sức khỏe và giống nòi. Nhìn vào các quốc gia Châu Phi chúng ta hiểu được rằng họ không có lựa chọn nào khác để thay đổi tình trạng kinh tế, do vậy họ phải lựa chọn việc đánh đổi sức khỏe, tính mạng và giống nòi để có được sự thịnh vượng. Nhưng điều bất cập này đang dần được các nhà khoa học đưa ra ánh sáng.

Bài học từ Châu Phi cho chúng ta một lời khuyên: Nếu không siết chặt các biện pháp bảo vệ môi trường sống thì một ngày không xa, chúng ta sẽ trở thành một Quốc gia Ung thư.

Theo Ts.Bs.Lê Tuấn Thành

Sức khoẻ & Đời sống