1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam: Bé sơ sinh tử vong, người nhà tố bác sĩ

Gia đình cho rằng bác sĩ đã tắc trách khiến đứa trẻ sơ sinh tử vong, trong khi đó phía bệnh viện nói rằng đã làm đúng chức năng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam), là ông nội của cháu bé bị tử vong tại BV Đa khoa trung ương Quảng Nam, kể con dâu ông là Trần Thị Thu Ba sinh mổ một bé trai cân nặng 3,2 kg vào lúc 8 giờ ngày 1-8-2016. Sau khi sinh, đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Gia đình tố bác sĩ tắc trách

Theo ông Hoàng, sáng 2-8-2016, cháu bé rất cứng cáp, tay chân cử động bình thường, không có dấu hiệu bị sốt hoặc khó thở. Nhưng đến chiều thì cháu không bú mẹ được. Bác sĩ bảo rằng nay mai cháu sẽ bú nên đừng lo. Đến ngày thứ ba sau khi sinh, cha cháu bé thấy cháu nằm im, không cựa đạp liền báo cho điều dưỡng tên Th. đang trực nhưng người này không hề xem, khám cho cháu.

Quảng Nam: Bé sơ sinh tử vong, người nhà tố bác sĩ - 1

Ông Nguyễn Huy Hoàng nói về việc cháu mình chết trong bệnh viện. Ảnh: TH

“Đến khi cháu bé không còn thở nữa, bác sĩ mới bảo cha cháu đưa bé vào phòng hồi sức. Đưa cháu vào phòng hồi sức khoảng năm phút thì cháu tôi chết” - ông Hoàng bức xúc nói.

Ông Hoàng cho rằng cháu ông chết là do bác sĩ bệnh viện quá vô tâm, lại không có trình độ chẩn đoán nguyên nhân cháu có sự cố bất ngờ mà cứ thản nhiên, đến khi cháu hấp hối mới bảo người nhà đưa cháu vào phòng hồi sức thì đã quá muộn.

Đã làm hết chức năng

Chiều 16-9, PV đã liên hệ lãnh đạo BV Đa khoa trung ương Quảng Nam để tìm hiểu vấn đề.

Ông Trần Dương Quân (Trưởng khoa Nhi) cho biết từ khi khoa nhận được đứa bé thì phát hiện có những triệu chứng bị nhiễm trùng sơ sinh, tức bị nhiễm trùng từ trong bào thai đối với trường hợp này.

“Triệu chứng bé bú ít, rốn khô, chân rốn đỏ và bị phù chân nặng, khóc rên. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chuyển cháu bé vào phòng hồi sức cấp cứu điều trị” - ông Quân nói.

Về câu hỏi, bệnh viện có thiếu quan tâm tới bệnh nhi không, ông Quân nói rằng đó có thể là do sự phản ánh chủ quan của người nhà thôi. “Vì phòng trẻ sơ sinh nằm tách biệt nên không cho người ngoài vào vì sợ mang vi khuẩn vào. Nhiều khi không cho người nhà vào nên họ nghĩ bác sĩ không quan tâm nhưng không phải như vậy” - ông Quân nói.

Ông Nguyễn Văn Trực (Phó Trưởng khoa Nhi) cũng cho rằng đã hết sức cứu chữa cho cháu bé. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Ông Nguyễn Văn Trực (Phó Trưởng khoa Nhi) cũng cho rằng đã hết sức cứu chữa cho cháu bé. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Theo ông Quân, khi nhận về khoa Nhi khám bệnh thì đứa trẻ có triệu chứng nói trên nên các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm và truyền dịch ngay. Đứa trẻ thở rên và bị phù tức là bị nặng rồi.

Về việc người dân phản ánh điều dưỡng Th. không quan tâm bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Th. (Tổ trưởng tổ điều dưỡng) cho biết: Trong ba ngày hôm đó bà không có mặt tại đó. Lúc đó có điều dưỡng tên Th. trực nên rất dễ xảy ra nhầm lẫn tên.

Cùng quan điểm với các đồng nghiệp, ông Nguyễn Văn Trực (Phó Trưởng khoa Nhi) cũng cho hay: “Chúng tôi đã làm hết chức năng điều trị bệnh nhi. Về chuyên môn thì đảm bảo cả bên chăm sóc và theo dõi. Chỉ có điều là thông tin chưa thỏa mãn cho người nhà. Vì thực tế bệnh nhi diễn biến nhanh nên thông tin đến người nhà chưa được kịp thời lắm”.

Theo Huy Trường

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm