Quảng cáo sai sự thật về sản phẩm bảo vệ sức khỏe bủa vây người dùng

Nhóm PV Sức khỏe

(Dân trí) - Vua hủy mỡ, cam kết trị dứt điểm, không khỏi không lấy tiền… là một số thông điệp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo về quảng cáo "nổ"

Việc quảng cáo "nổ" trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông không phải là hiếm gặp. Trang web của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, liên tiếp đăng tải thông tin cảnh báo về việc các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. 

Quảng cáo sai sự thật về sản phẩm bảo vệ sức khỏe bủa vây người dùng - 1

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo (Ảnh chụp màn hình).

Chẳng hạn, ngày 8/4, cục cảnh báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S'body Green, Vạn Xuân Tố Nữ Plus vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trên một số website. 

Cụ thể, qua công tác hậu kiểm, cục phát hiện website: vanxuantonuplus.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vạn Xuân Tố Nữ Plus, website duocphamthanhmong.com quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm Plus S'body Green vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. 

Theo đó, sản phẩm được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Hai sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Thanh Mong Pharma (địa chỉ: Mỹ Gia 3-24, Vinhomes Bến Đoan, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với cục, đại diện công ty khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo 2 sản phẩm trên. 

Ghi nhận của PV ngày 11/7, chỉ còn website duocphamthanhmong.com hoạt động. Trên đó không còn sản phẩm Sâm Plus S'body Green, thay vào đó là Sâm Plus Detox x 1000 được quảng cáo là "vua hủy mỡ số 1 Việt Nam".

Quảng cáo sai sự thật về sản phẩm bảo vệ sức khỏe bủa vây người dùng - 2

Sản phẩm Sâm Plus Detox x 1000 được quảng cáo là "vua hủy mỡ số 1 Việt Nam". Ảnh chụp màn hình website duocphamthanhmong.com sáng 11/7.

Trước đó ngày 1/4, Cục cũng cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thập Vị Xoan được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Ngày 29/3 là cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shikawa được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo...

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Theo Cục An toàn thực phẩm, có một thực tế là khi được mời lên làm việc với Cục, đại diện công ty công bố, chịu trách nhiệm sản phẩm và đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm đều khẳng định không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi quảng cáo vi phạm đó. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm. 

Bên cạnh đó cũng theo Cục, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Như vậy, việc làm trên (sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín để quảng cáo), là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực phẩm chức năng không được phép ghi công dụng "điều trị bệnh"

Tại buổi hội thảo ngày 29/5, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, phải thốt lên: "Một số thông điệp quảng cáo như "dội bom" vào nhận thức của công chúng như cam kết trị dứt điểm, không khỏi không lấy tiền, gia truyền, trị tận gốc, không lo tái phát sau 1 liệu trình, đẩy lùi mọi biến chứng đái tháo đường, đánh bay đái tháo đường type 1, type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, thần dược, 3 đời gia truyền, thần y…". 

Quảng cáo sai sự thật về sản phẩm bảo vệ sức khỏe bủa vây người dùng - 3

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: T.C).

Theo ông, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo, quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm, quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm, quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là "trá hình" thực phẩm chức năng.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Bộ đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, Youtube… nỗ lực kiểm soát quảng cáo.

Bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý, tình trạng quảng cáo sai sự thật, cố tình gây hiểu nhầm chức năng... vẫn đeo bám người dùng.