Quản lý chất lượng thực phẩm: Bất lực?

(Dân trí) - Trong khi thực phẩm có chứa chất độc lan tràn khắp nơi thì cơ chế quản lý chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm vẫn trong tình trạng lùng bùng, lỏng lẻo; một sai phạm khi cần truy tố thì nó lại liên quan tới hành chục Bộ, Ngành. Kết quả, chỉ có người tiêu dùng phải chịu trận!

Xung quan vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Ảnh bên):

 

Theo ông, thực trạng VSATTP trên thị trường nước ta hiện nay thế nào?

 

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi ngày nay người tiêu đang phải đối mặt trước thực trạng mất VSATTP xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Vừa qua, chúng tôi đã  nhận được một số khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng nước đá và nước ngọt đóng chai vì khi uống vào bị đau bụng hay ngộ độc.

 

Hiện, nhiều người tiêu dùng vô cùng lo lắng, lúng túng vì không biết lựa chọn thế nào để chọn được thực phẩm an toàn; thịt, cá có thuốc tăng trọng, rau quả thì tồn dư hóa chất độc hại, nước giải khát lại sợ phẩm mầu công nghiệp. Thậm chí ngay cả các thực phẩm ngoại nhập cũng có thông tin về một số loại không an toàn, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà tồn tại khắp nơi trên thế giới. Chỉ khác nhau về cách quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước mà thôi.

 

Theo ông, cách quản lý chất lượng thực phẩm của các cơ quan chức năng hiện nay còn quá lỏng lẻo, yếu kém?

 

Điều quan trọng là chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các Bộ, Ngành cụ thể. Ví dụ, khi những thông tin “chết người” về chất lượng của hàng loạt sản phẩm nước tương ở TPHCM thì có tới 11 Bộ, Ngành  cùng có liên quan trách nhiệm. Bộ này ỷ Bộ kia, Ngành này đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan nọ. Vậy đâu là nơi phải chịu trách nhiệm chính? Người tiêu dùng muốn khởi kiện thì ai phải chịu? Thỉnh thoảng, có vụ việc nào đó thì thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tháng VSATTP chỉ tập chung kiểm tra trong tháng ấy thì mười mấy tháng khác chả lẽ buông xuôi, việc khác đơn vị nào làm?

 

Mức xử phạt đối với các cơ sở vi phạm VSATTP hiện nay là nhắc nhở, tịch thu hoặc xử phạt hành chính từ vài trăm đến vài triệu, nặng thì tạm thời đóng cửa…Theo ông các mức xử phạt này đã đủ nặng?

 

Cần thiết phải tăng mức phạt lên cao hơn nữa, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn cơ sở sản xuất  vi phạm VSATTP chứ không chỉ thu hồi sản phẩm, hay phạt hành chính.

 

Ngay đối với cách xử lý những cơ sở sản xuất nước tương , vi phạm quy định vừa qua cũng vậy, biện pháp đầu tiên là phải đóng cửa  nơi sản xuất, chứ chỉ tập chung vào việc thu hồi thì người ta vẫn có thể tiếp tục sản xuất  lô khác rồi tìm cách tiêu thụ thôi! Vấn đề là người tiêu dùng lại tiếp tục là nạn nhân.

 

Được biết Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra một danh sách bao gồm các sản phẩm hàng hóa (có cả mặt hàng thực phẩm) cần cảnh bảo về chất lượng. Vậy bao giờ danh sách “đen” này được công bố?

 

Đúng là chúng tôi định đưa ra những cảnh báo về mặt nguy cơ đối với một số sản phẩm. Tuy  nhiên, mới chỉ đưa ý định này hỏi ý kiến một số chuyên gia đã gặp phải những phản hồi không tán thành. Có nhiều nguyên nhân khiến họ phản đối, quan trọng nhất có bởi pháp luật của chúng ta hiện chưa có những quy định chặt chẽ đối với vấn đề chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, muốn công bố nguy cơ về một sản phẩm của họ có những chỉ tiêu, thử nghiệm, đánh giá  rõ ràng chứ không thể dựa trên  một số yếu tố chủ quan hay ý kiến một cá nhân.

 

Ở nước ta, việc đưa ra danh sách “đen” hoặc những cuốn sách này nọ là rất khó, trong khi ở các nước khác, đó là điều rất bình thường (Nhật Bản mới đưa ra một cuốn sách với 40 loại mặt hàng Trung Quốc cần kiểm tra nghiêm ngặt). Cũng lại lấy ví dụ về vụ nước tương vừa qua; làm thế nào người tiêu dùng biết được trong đó có cái chất gây ung thư nếu không có kiểm nghiệm và không có cơ quan nào cảnh báo trước!

 

Nói chung, đây là vấn đề cần hết sức thận trọng và chúng tôi cần có thêm thời gian để nghiên cứu phương án thực hiện.

 

Người dân liệu có thể hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng các loại thực phẩm do hệ thống siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng do nhà nước quản lý ?

 

Các hệ thống các siêu thị hoặc cửa hàng bán thực phẩm có trách nhiệm biết rõ xuất xứ hàng hóa và phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đó bằng cơ chế kiểm tra, giám sát riêng. Nếu không kiểm tra được, cần liện hệ với các cơ quan quản lý khác để biết thông tin về chất lượng và độ an toàn của mặt hàng đó thì mới được phép bán cho người tiêu dùng. Nếu không nghĩa là vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm khắc.

 

Tuy nhiên, đã đã từng xảy ra không ít trường hợp một số siêu thị hay cửa hàng uy tín vô tình hoặc cố ý bày bán và  “vô tư”  quảng cáo cho những loại thực phẩm kém chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng nên trang bị cho mình nhiều thông tin, kiến thức về cách lựa chọn các sản phẩm đặc biệt là các loại thực phẩm. Đó chính là phương án tự bảo vệ tối ưu nhất.

 

Nghị định 89 về Quy định ghi nhãn hàng hóa được lưu hành, trong Nghị định này bắt buộc doanh nghiệp sản xuất phải ghi rõ tên nhà sản xuất cũng như địa chỉ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất lớn về thực phẩm như: sữa, bia, bánh, thuốc lá …lại phản đối quy định này và cho rằng không cần  thiết phỉ ghi rõ chỉ  sản xuất mà chỉ cần có mã vạch của sản phẩm là đủ. Ông nghĩ sao về ý kiến phản đối của các doanh nghiệp này?

 

Nhãn hàng hóa cũng như con người khi mới sinh ra, phải  có đầy đủ ngày sinh, tháng đẻ, đặc điểm nhận dạng, nơi sinh đẻ ra. Bên cạnh đó, nhãn hàng hóa cũng là đặc điểm để người tiêu dùng phân biệt loại này với loại khác, nhằm lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu. Cũng cần thiết phải ghi rõ nơi sản xuất ra mặt hàng đó để người tiêu dùng biết và lấy đó làm cơ sở theo dõi và là căn cứ để cơ quan nhà nước kiểm tra, kiểm soát.

 

Mã vạch thì chỉ có thể đọc bằng máy móc chứ người tiêu dùng làm sao mà đọc được. Nếu chỉ có mã vạch thì quả là đánh đố người tiêu dùng!

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Thanh (ghi)