1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Prebiotics giúp hệ tiêu hoá của trẻ khoẻ mạnh

Hệ tiêu hoá đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, ngoài chức năng tiêu hoá hấp thu thức ăn còn là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và độc chất.

Đối với trẻ nhỏ, trong những năm đầu đời do chức năng ống tiêu hoá chưa hoàn chỉnh, trẻ có thể gặp nhiều rối loạn chức năng co bóp ống tiêu hoá như nôn chớ, cơn đau quặn bụng (colic), tiêu chảy và táo bón ảnh hưởng tới sự tiêu hoá và hấp thu và là nguyên nhân khiến nhiều bà mẹ lo lắng buồn phiền.

Các nhà dinh dưỡng gần đây đưa ra khái niệm hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và xây dựng biện pháp dinh dưỡng giúp trẻ có được hệ tiêu hoá khoẻ mạnh này. Khi trẻ có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh thức ăn được tiêu hoá dễ dàng, trẻ không nôn chớ, ít bị rối loạn tiêu hoá, không đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, không bị táo bón, phân mềm, đi cầu dễ dàng, trẻ chịu chơi không quấy khóc, và tất nhiên kết quả sẽ biểu hiện ở sự phát triển cơ thể bình thường, lên cân đều, trẻ vui vẻ khoẻ mạnh.

Prebiotics giúp hệ tiêu hoá của trẻ khoẻ mạnh - 1

Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho sự phát triển tối ưu của trẻ, bảo vệ trẻ và đồng thời là thức ăn tạo cho trẻ một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh trong những năm đầu đời. Sữa mẹ chứa đạm whey vượt trội rất dễ tiêu hoá. Kinh nghiệm thực tế cho thấy trẻ bú mẹ có phân mềm, dễ đi cầu, số lần đi cầu nhiều hơn, phân chua hơn, ít khi bị táo bón, trẻ đi cầu không cần gắng sức và ít khi bị rách nứt hậu môn hơn so với trẻ bú sữa công thức. Trong khi đó, những trẻ bú sữa công thức thường có phân rắn hơn, thường bị táo bón rách nứt hậu môn nhiều hơn. Trẻ bú sữa mẹ cũng ít bị nôn chớ, ít tiêu chảy và ít bị đau bụng hơn trẻ bú bình. Các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thường thấy dễ dàng hơn bởi trẻ ít bị bệnh hơn và phát triển đều đặn hơn.

Khoa học đã phát hiện sự khác biệt này là do trong sữa mẹ có chứa các chất oligosaccharides còn gọi là các prebiotics với hàm lượng từ 8-12g trong 1 lít sữa mẹ có nhiều thứ 3 sau chất béo và đường lactose. Trong sữa mẹ có chứa tới 130 loại oligosaccharides khác nhau trong đó chủ yếu là GOS (Galacto-Oligo-Saccharides). Đó là những chất xơ hoà tan được và không tiêu hoá trong ruột non nên làm tăng áp lực thẩm thấu, hút nước làm mềm phân giúp trẻ dễ đi cầu. Các chất xơ còn có tác dụng làm tăng nhu động ruột giúp trẻ tăng số lần đi cầu. Ngoài ra, các prebiotic còn là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi Lactobacillus, Bifidobacteria giúp chúng phát triển vượt trội là cơ sở cho hệ tiêu hoá khỏe mạnh.

Từ nghiên cứu về oligosaccharides trong sữa mẹ, mặc dù không thể bắt chước được 130 loại prebiotic sữa mẹ này, các nhà khoa học đã bổ xung các loại prebiotics trong sữa công thức cho trẻ nhũ nhi nhằm đạt được tác dụng tạo hệ tiêu hoá khoẻ mạnh gần giống như ở trẻ bú mẹ. GOS và FOS (Fructo-Oligo-Saccharides) là 2 loại prebiotics được bổ xung thông dụng nhất được khuyến cáo với liều lượng từ 4-8gram/l. Nếu như GOS có trong sữa động vật hoặc được tổng hợp bằng men từ galactose, FOS là một prebiotics có nguồn gốc thực vật có trong cây cỏ tự nhiên như rau, hành, tỏi, lùa mì, măng tây, chuối, đu đủ hoặc cũng có thể được tổng hợp bằng men từ fructose.

Kết quả nghiên cứu qua các thử nghiệm lâm sàng với sữa công thức có bổ xung prebiotic với tỷ lệ GOS/FOS là 90:10 ở trẻ nhỏ từ 2 tuần - 4 tháng tuổi cho thấy phân trẻ mềm hơn, giống như ở trẻ bú sữa mẹ, trẻ đi cầu dễ dàng hơn, số lần đi cầu nhiều hơn so với nhóm sữa công thức không được bổ xung prebiotic.

Do vậy, prebiotics không những được bổ sung vào các loại sữa công thức cho trẻ nhỏ mà còn vào bánh, nước giải khát, ngũ cốc và các sản phẩm ăn dặm cho trẻ lứa tuổi lớn hơn để phòng ngừa táo bón và có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh.

PGS. TS. Nguyễn Gia Khánh
Trưởng Khoa Tiêu Hóa - Bệnh Viện Nhi TƯ