1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Phòng và trị rôm sảy trong mùa hè

Theo y học cổ truyền, rôm sảy phát sinh do phong huyết nhiệt, thấp nhiệt và nhiệt độc gây nên. Để phòng tránh, cần kết hợp nhiều biện pháp như tắm, ăn uống và dùng thuốc.

Rôm sảy tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây phiền toái, khó chịu và ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe, nhất là trẻ em.

Chứng rôm sảy chủ yếu xuất hiện vào mùa nóng bức, tại các vùng nhiệt đới, có độ ẩm cao. Trong điều kiện như vậy, các tuyến mồ hôi tăng bài tiết nhằm điều hòa thân nhiệt. Nếu các lỗ chân lông không được thông thoáng, vệ sinh không tốt sẽ gây nên ứ đọng tại chỗ, làm nổi lên các túi nước nhỏ như hạt kê, kèm theo quầng đỏ xung quanh, ngứa ngáy khó chịu. Nó có thể làm trẻ quấy khóc, rối loạn giấc ngủ, ăn kém và gầy sút.

Rôm sảy có thể gây bội nhiễm lỗ chân lông hay viêm da tại vết gãi xước, phát thành nhọt. Nếu bị nhiễm liên cầu trùng tan huyết nhóm A thì có thể gây viêm cầu thận cấp hoặc thấp tim.

Chữa rôm sảy theo y học cổ truyền:

Thuốc dùng ngoài

Chọn một trong 3 cách:

Dùng nước ấm, pha thêm chút muối (10 lít nước cho một thìa cà phê muối ăn); tùy theo lượng nước nhiều ít mà vắt thêm vào đó một hoặc nửa quả chanh và tắm, có thể mang lại cảm giác mát khá lâu. Nếu chanh và muối quá nhiều sẽ gây xót và bất lợi.

Dùng một, hai quả mướp đắng (khổ qua) tươi giã nát (có thể đun chín), cho vào miếng vải sạch, lọc vắt lấy nước để tắm.

Dùng một trong các thứ lá sau, vò hoặc giã nát (có thể đun chín) lọc vào nước để tắm: Lá sài đất (lộc mui); lá thồm lồm (đuôi tôm), lá khế, lá đơn đỏ (đơn mặt trời), lá đào ăn quả, lá phỏng lửa (cây sống đời - nên đun chín để đỡ mùi hăng), lá bồ công anh (diếp dại), chè xanh.

Nước tắm phòng tránh rôm sảy bao giờ cũng nên pha chút muối ăn. Muối vừa giúp sát trùng lại góp phần giữ ẩm, vừa giúp da tỏa nhiệt tốt hơn, mang lại cảm giác dễ chịu sau tắm lâu hơn so với nước không có muối.

Ăn uống, giải khát

Để tránh mỏi mệt và giải nhiệt, có thể dùng một trong các nguyên liệu sau đây nấu cháo ăn: củ mài, ý dĩ, đậu xanh (cả vỏ), đậu đỏ, bột sắn dây... Không cho đường hoặc rất ít đường.

Tùy nguyên liệu sẵn có hoặc khẩu vị, có thể chế nước giải khát thanh nhiệt giải độc bằng các nguyên liệu như: rau má, sài đất, nước chanh, cam, quýt, sắn dây (cát căn), nước chè xanh, chè nhân trần, bát bảo, ac-ti-sô, lạc tiên, thảo quyết minh sao (hạt muồng lạc), vỏ đỗ xanh sao qua (không dùng loại đã thải ra sau khi ngâm giá), rễ nhỏ nhân sâm, lá đơn đỏ... Nếu thích uống ngọt, có thể pha chung với nước sắc 10-15 g cỏ ngọt.

Dùng thuốc

Sinh địa, huyền sâm mỗi thứ 8 g, thảo quyết minh, hoàng kỳ sống, kim ngân hoa, đan sâm, ké đầu ngựa mỗi thứ 12 g, liên kiều, phòng phong mỗi thứ 10 g, cam thảo 6 g.

Ngoài ra, tùy cơ địa của từng người, thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền có thể kê đơn cho phù hợp.

Để phòng rôm sảy, cần sinh hoạt ở nơi thoáng mát, thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và giữ vệ sinh da tốt. Kiêng ăn uống nhiều các thức ăn cay nóng như rượu, ớt, tỏi, hạt tiêu; kiêng ăn nhiều đường, của nếp, hoa quả ngọt như mít, dứa, xoài, nhãn, vải...

Theo TS Lê Lương Đống
Sức Khỏe & Đời Sống