Phòng tránh cảm lạnh

(Dân trí) - Một trong những bí quyết để chống cảm lạnh là thường xuyên vận động ngoài trời. Tuy nhiên, khi thời tiết ấm thì thật đơn giản, còn mùa đông thì... Vậy làm thế nào để tránh được cảm lạnh ngay khi bạn đang cùng hít thở bầu không khí với người mắc bệnh này?

Với người lớn

 

Nếu có thể, hãy làm thế nào đó để có ít người nhất ở trong cùng 1 phòng với bạn. Sẽ có một số người cảm thấy bất tiện vì điều này nhưng đó là cách đơn giản nhất để làm sạch bầu không khí.

 

Hạn chế tối đa việc mở điều hòa. Thay vào đó, hãy mở tất cả các cửa sổ ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời dưới 20 độ và hãy bật quạt trần lên. Bạn cũng nên bật quạt ở các phòng khác và hãy cố gắng nghĩ tới lợi ích sức khỏe thay vì sự ấm áp mà đáng ra bạn có thể được hưởng. Thời gian mở cửa và bật quạt tối đa là 30 phút.

 

Tất nhiên, trong lúc này, bạn nên mặc thật ấm và tranh thủ dùng các dung dịch vệ sinh lau chùi tất cả các bề mặt mà mọi người chạm tới như nắm đấm cửa, công tắc đèn, cửa tủ; toilet, cần gạt vòi nước, ghế ngồi, bàn phím, chuộc, điện thoại, bút, đồng hồ báo thức...

 

Cuối cùng, hãy rửa tay sạch sẽ, đóng cửa sổ lại, tắt quạt, bật điều hòa lên và tận hưởng không khí sạch sẽ cho tới tận tuần sau.

 

Cho trẻ nhỏ

 

Hướng dẫn dưới đây sẽ chỉ cho bạn cách giúp trẻ phòng cảm lạnh, cảm cúm một cách tự nhiên nhất và hiệu quả nhất:

 

Trước tiên là bé cần phải được tiêm phòng cảm cúm mỗi năm một lần. Đây là bước cơ bản để phòng ngừa cảm cúm, cảm lạnh cho trẻ nhỏ. Tác dụng của tiêm phòng sẽ chỉ phát huy sau 2 tuần được tiêm. Vậy nên nếu là lần đầu tiên hãy cho con đi tiêm trước khi mùa cúm bắt đầu.

 

Một trong những điều cơ bản nữa là luôn khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên. Các loại siêu vi có thể tồn tại ở bất cứ đâu, lan truyền “siêu tốc” qua không khí, các vật dụng mà trẻ tiếp xúc.... Nên cho trẻ sử dụng các loại xà phòng kháng khuẩn. Khi trẻ tới trường, nên chuẩn bị cho trẻ một chai nước vệ sinh tay chuyên dụng để trẻ mang theo theo khi tới trường. Các loại nước rửa tay “khô” này hiện rất sẵn trên thị trường.

 

Tạo cho trẻ thói quen uống nhiều các loại chất lỏng khác nhau, đặc biệt là nước. Nước được biết đến là một trong những cách lọc rửa hệ thống và thải loại mọi chất độc, giúp cơ thể khỏe mạnh. Mỗi đứa trẻ cần uống ít nhất 1,5 lít nước một ngày. Ngoài khả năng giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật có hại, nước còn hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng, phát triển chiều cao.

 

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để chúng được hít thở không khí trong lành. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu sống trong ngôi nhà có các thiết bị sưởi ấm nhiều tháng, cơ thể rất dễ bị khử nước. Ngoài ra, không khí khô cũng sẽ góp phần “tích lũy” các loại vi sinh. Không khí ẩm ướt ngoài trời và ánh nắng chan hòa sẽ là “vũ khí” ngăn ngừa cúm và cảm lạnh hiệu quả.

 

Quan tâm tới chế độ dinh dưỡng. Một trong những thực phẩm đem lại hiệu quả cao nhất phòng ngừa cúm là sữa chua. Những vi khuẩn có ích trong thực phẩm này sẽ “khuyến khích” hệ miễn dịch “làm việc”. Có rất nhiều loại sữa chua khác nhau để “dụ” bé nếu bé không phải là “fan hâm mộ”.

 

Khuyến khích trẻ mang giấy ăn theo người khi chúng ho, xổ mũi. Điều này sẽ giúp giảm sự lây lan ra cộng đồng. Thêm vào đó, trẻ hiểu rằng, việc loại bỏ các chất nhầy ở mũi và họng bằng giấy sẽ tốt hơn là dùng tay.

 

Nhân Hà

Theo EH