1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đồng Tháp:

Phòng sốt xuất huyết - Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng

(Dân trí) - Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 4 tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi gia đình dành 10 phút/tuần để kiểm tra và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, vì đây là việc làm thiết thực để ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Sáng 15/6, Bộ Y tế phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Mít tinh hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 4 với sự tham dự của 5.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân tỉnh Đồng Tháp

Theo báo cáo khu vực ĐBSCL với đặc điểm hệ sinh thái đa dạng, nơi ở của người dân thường gắn với sông nước, đặc biệt là thói quen dùng khạp, lu đựng nước mưa để uống, sinh hoạt còn khá phổ biến. Trong khi đó biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết chưa được thực hiện triệt để nên nhiều năm qua, khu vực này luôn là điểm nóng về sốt xuất huyết, trong đó Đồng Tháp nằm trong nhóm có số ca bệnh cao nhất.

Phòng sốt xuất huyết - Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng

Tỉnh Đồng Tháp là một trong những tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất ở khu vực ĐBSCL hiện nay

Tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh, trong đó tập trung quyết liệt vào công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Ngành Y tế thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu, giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, có giải pháp xử lý hiệu quả, giảm tối đa số ca mắc và tử vong.

Hưởng ứng ngày “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” năm nay Bộ Y tế kêu gọi mỗi gia đình hãy dành 10 phút/tuần để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa nước, thả cá bảy màu; thường xuyên thay nước ở các bình hoa, thả muối hoặc Abate vào nước kê chân chạn, bể cảnh, đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng.

Qua báo cáo của Bộ y tế cho thấy, bệnh sốt xuất huyết đã có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 2,5 tỷ người đang phải sống trong vùng có sốt xuất huyết. Mỗi năm, trên thế giới có từ 50.000 - 100.000 người mắc bệnh và 24.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 người mắc bệnh. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 10.000 ca mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc bệnh đã giảm 41% và giảm 6 người tử vong vì sốt xuất huyết.

Nguyễn Hành