Phòng polyp đại tràng như thế nào?
(Dân trí) - Khi phát hiện polyp đại tràng, bác sĩ thường chỉ định cắt vì lâu dài, nó có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Với những người có nguy cơ cao ung thư, bác sĩ đều khuyến nghị nội soi định kỳ để phát hiện polyp, phát hiện nguy cơ ung thư.
Dấu hiệu polyp đại tràng
GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Đại học Y cho biết, polyp đại trực tràng bệnh lý tương đối phổ biến, đa phần không gây hại. Chỉ có một số loại polyp có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện kịp thời.
Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới lớp niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Vì thế, trong quá trình nội soi đại trực tràng, phát hiện polyp bác sĩ sẽ thường cắt bỏ polyp để ngăn ngừa nguy cơ.
Hầu hết những người bị polyp đại tràng không gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn có thể không biết mình bị polyp cho đến khi bác sĩ phát hiện ra nó trong quá trình kiểm tra đại tràng.
Tuy nhiên, một số người bị polyp đại tràng có thể gặp phải một số dấu hiệu sau:
- Chảy máu trực tràng: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư hoặc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh trĩ hoặc vết rách nhỏ ở hậu môn.
- Thay đổi màu phân: Máu có thể xuất hiện dưới dạng vệt đỏ trong phân của bạn hoặc làm cho phân có màu đen. Sự thay đổi màu sắc cũng có thể do một số loại thực phẩm, thuốc hoặc thực phẩm chức năng gây ra.
- Thay đổi thói quen đi tiêu: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần có thể cho thấy sự hiện diện của một khối u hoặc ung thư đại tràng. Tuy nhiên, một số tình trạng khác cũng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đi tiêu.
- Đau: Polyp đại tràng có thể làm tắc nghẽn một phần ruột của bạn, dẫn đến đau bụng quặn thắt.
- Thiếu máu do thiếu sắt: Chảy máu do polyp có thể xảy ra từ từ theo thời gian, ngay cả khi không có máu trong phân. Thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
GS Long khuyến cáo, những người có tiền sử polyp đại tràng dù đã cắt bỏ vẫn cần tái khám định kỳ, bởi khả năng polyp tiếp tục mọc lại kể từ lần cắt đầu tiên là 30%.
Quan trọng hơn, việc tái khám định kỳ bằng nội soi cũng là phương pháp quan trọng để phát hiện nguy cơ tiến triển ung thư.
Hầu hết các ca mắc ung thư đại trực tràng thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn ở những đối tượng sau: Ngoài 50 tuổi; Gia đình có tiền sử bị bệnh này; Có tiền sử polyp đại tràng; Đã từng mắc chứng viêm ruột; Có lối sống không lành mạnh.
Do đó, với những người có nguy cơ cao này, việc tái khám, nội soi đại trực tràng theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ ung thư, can thiệp kịp thời.
Đến nay, chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây polyp đại tràng nhưng sự phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường được xem là lý do chính.
Polyp đại tràng có liên quan đến tuổi tác, hầu hết những người bị polyp đại tràng ở lứa tuổi từ 50 trở lên. Bệnh này cũng có yếu tố gia đình, thường nếu trong gia đình có người bị bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Các lý do khác như thường xuyên uống rượu - hút thuốc hoặc kết hợp cả 2 làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại tràng; Một số rối loạn di truyền; Béo phì, lười vận động và tiêu thụ nhiều chất béo.
Phòng ngừa bệnh polyp đại tràng
Cách phòng ngừa bệnh polyp đại tràng tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp khi có. Ngoài ra chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ gặp phải polyp đại tràng nhờ vào các thói quen lành mạnh như sau:
Tăng cường trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, vóc dáng cân đối; nên giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
Không ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu…Tập thể dục với cường độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày. Không lạm dụng bia rượu, thuốc lá.