Phòng ngừa tốt có thể giảm 40% gánh nặng ung thư

(Dân trí) - Ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải. “Nếp sống lành” để ngừa bệnh là tiềm năng lớn nhất, hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Ung thư “sát thủ mạnh tay”

Hai đứa con Phạm Thị Thùy Linh (SN: 1994) và Phạm Đăng Khoa lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư máu và khối u não di căn khiến vợ chồng ông Nguyễn Văn Vĩnh (55 tuổi, ngụ tại Bình Phước) gần như suy sụp. Tang chồng tang, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, nỗi đau càng nhân đôi khi người con trai Phạm Đăng Khoa mất ở tuổi 22 để lại đứa con gái chưa tròn một tuổi cho ông bà nội trong cảnh khánh kiệt. 
Gia đình chăm sóc cho anh Thái Hùng những ngày cuối đời
Gia đình chăm sóc cho anh Thái Hùng những ngày cuối đời

Chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi, quê Nam Định) cũng rơi vào cảnh mẹ góa con côi vì người chồng Phạm Thái Hùng (40 tuổi) vĩnh viễn ra đi do mắc bệnh ung thư phổi di căn. Nhà cửa đất đai mang đi cầm cố vay mượn cả trăm triệu đồng nhưng cũng không thể cứu nổi sinh mạng của chồng. Bệnh tình của anh Hùng đã để lại khoản nợ khổng lồ cùng đứa con trai hơn một năm tuổi cho người vợ chân yếu tay mềm.

Theo số liệu mới ghi nhận, tại Việt Nam ung thư gan, ung thư phổi, bao tử, đại trực tràng, vòm hầu, tuyến giáp… là những loại rất đáng lo ngại. Trung bình 100 nghìn nam giới thì có khoảng 42 người mắc ung thư gan, 38 người mắc ung thư phổi, 24 người mắc ung thư bao tử; ở nữ giới cứ 100 nghìn người thì có 18 người mắc ung thư gan, 16 người mắc ung thư phổi và 14 người mắc ung thư bao tử. Ngoài ra ở phụ nữ, ung thư vú cũng chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 16 người/100 nghìn người.

Bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội
Bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng của toàn xã hội

Tại Hội thảo phòng chống ung thư (05/12) diễn ra ở TPHCM, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Ung thư là những bệnh phổ biến nhất trên địa bàn thành phố, bệnh đang có sự thay đổi về vị trí gia tăng, tần suất bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Tính riêng trên địa bàn thành phố từ năm 2007 đến 2011, toàn thành có 33.126 trường hợp mới mắc ung thư trong đó nam giới chiếm hơn 15 nghìn ca và nữ giới chiếm gần 18 nghìn ca. Các ung thư hàng đầu ở cả hai giới bắt đầu xuất hiện sau 40 tuổi và tăng dần theo tuổi tác cho đến sau 80 tuổi thì giảm.

40% ung thư có thể phòng ngừa

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư TPHCM phân tích: “Ung thư gây rối từ nơi sâu thẳm của chất sống. Chỉ 20 năm trở lại đây, các nhà khoa học biết bệnh ung thư nhiều hơn những gì đã gom góp trong bao nhiêu thế kỷ. Khoảng 80% nguyên nhân gây bệnh là do những gì con người ăn uống, hít thở, cọ xát hoặc phơi trải.

Có thể phòng ngừa được khoảng 40% các ung thư
Có thể phòng ngừa được khoảng 40% các ung thư

Trong đó, ung thư do thuốc lá đang gây ra đại dịch, chứa hơn 60 chất gây ung thư, khói thuốc lá không chỉ gây hại đối với người nuốt khói mà cả những người hít khói ké. Ước tính cứ 3 người chết vì ung thư thì có 1 người là do thuốc lá. Bệnh theo miệng mà vào, ăn uống không lành gây 1/3 gánh nặng ung thư, thức ăn muối mặn, hun khói, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít rau quả tươi, ít vận động, ăn nhanh và béo phì làm tăng nguy cơ ung thư bao tử, đường ruột, vú… Bệnh nhiễm cũng gây ra 20% các ung thư liên quan.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng nhận định: “Có thể phòng ngừa được khoảng 40% các ung thư. Muốn phòng tránh ung thư hiệu quả, cộng đồng nên tuân thủ nếp sống lành; loại bỏ khói thuốc lá; tránh uống rượu, bia quá đà; phòng tránh bệnh nhiễm như viêm gan do vi rút, chích ngừa bệnh gan (HBV và HCV), ung thư cổ tử cung (HPV), ngừa vi khuẩn gây bệnh bao tử (HP)… Cần ăn đúng, ăn lành (bảo quản thực phẩm đúng cách, bỏ thói quen ăn nhiều thịt đỏ, cá sống); tập thể dụng đều đặn; giữ trọng lượng cơ thể vừa phải; kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bệnh mới trong giai đoạn phôi thai.”

Vân Sơn