Phòng ngừa đột quỵ hiệu quả ở bệnh nhân rung nhĩ

Bệnh nhân rung nhĩ có thể đối diện với nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Do đó, việc phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ một cách có hiệu quả là vô cùng quan trọng,

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là nguyên nhân gây chết người đứng hàng thứ ba.

Phòng ngừa đột quỵ hiệu quả ở bệnh nhân rung nhĩ - 1

Trong khi đó, theo thông tin từ hội thảo khoa khoa học – chuyên đề “Tối ưu hóa sử dụng kháng đông trên bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ không do van tim” dành cho hơn 200 bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, Tim mạch trên cả nước do VPĐD Bayer (South East Asia) Pte Ltd tại Tp.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Đột quỵ Tp.HCM tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Bệnh nhân rung nhĩ có thể đối diện với nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Đột quỵ do rung nhĩ cũng thường dẫn đến hậu quả là bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn, nguy cơ tàn phế và tử vong cao hơn đột quỵ do những nguyên nhân khác.

Do đó, việc sử dụng các thuốc chống huyết khối trong phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ đã được đề nghị trong các khuyến cáo hiện nay. Ngày nay, đặc biệt trên bệnh rung nhĩ không do van tim, nhóm thuốc kháng đông đường uống mới ra đời và được xem là liệu pháp thay thế kháng vitamin K (wafarin) truyền thống với ưu điểm: liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không phải theo dõi xét nghiệm máu nên thuận tiện hơn cho bệnh nhân.

Quan trọng là, so với kháng vitamin K, nhóm kháng đông đường uống mới được chứng minh có hiệu quả tương đương và giúp giảm nhiều hơn tỉ lệ xuất huyết nặng như xuất huyết nội sọ và xuất huyết gây tử vong.

Mới đây, kết quả của các nghiên cứu hồi cứu trong thực tiễn lâm sàng được công bố tại Hội nghị Tim mạch châu Âu (ESC) tiếp tục khẳng định tính lợi ích vượt trội nguy cơ của các thuốc kháng đông đường uống mới so với wafarin trong thực tế điều trị cho bệnh nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hội nghị Tim mạch châu Âu năm nay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa đột quỵ một cách có hiệu quả cho bệnh nhân rung nhĩ. Cập nhật hướng dẫn điều trị mới của ESC năm 2016 khuyến cáo thuốc kháng đông đường uống mới được xem là liệu pháp chuẩn mới và được khuyến cáo ưu tiên hơn kháng vitamin K phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim. Ngoài ra, kháng kết tập tiểu cầu đơn trị liệu không còn được khuyến cáo trong phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng và GS.TS Lawrence Wong đang trao đổi tại Hội nghị
TS.BS Nguyễn Huy Thắng và GS.TS Lawrence Wong đang trao đổi tại Hội nghị

Hội thảo đem đến cơ hội để cộng đồng y khoa cùng chia sẻ kiến thức và các thực hành tiêu biểu, thảo luận về thực trạng và thách thức trong dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo lần này, GS. TS Lawrence Wong, Tổng thư ký của Hội Đột Quỵ thế giới, Thư ký Hội thần kinh học châu Á Thái Bình Dương, Giáo sư Y Khoa - Khoa Thần Kinh – ĐH Y khoa Hồng Kông cũng đem đến các cập nhật mới nhất trong năm 2016 liên quan đến giải pháp kháng đông đường uống mới trong phòng ngừa đột quỵ trên thế giới.

Lê Hưng