Phòng chống sốt xuất huyết: “đừng trông chờ vào y học”

(Dân trí) - Dịch sốt xuất huyết bùng phát khiến ngành y tế như ngồi trên đống lửa. Ngược lại, người dân, chính quyền cấp cơ sở lại “bình chân như vại”. Bệnh chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cộng đồng đừng nên trông chờ vào y học mà phải chung tay phòng chống.

Tính đến hết tháng 8/2015, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát tại 50 tỉnh thành trên cả nước khiến khoảng 33 nghìn người nhiễm bệnh, với 19 ca tử vong, bệnh đã tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…đang trở thành điểm đen của loại bệnh trên.

Trước tình hình đó, ngày 18/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại điểm nóng nhất của cả nước là tỉnh Đồng Nai.

Đụng chỗ nào cũng thấy lăng quăng là thực tế đoàn kiểm tra đã ghi nhận
Đụng chỗ nào cũng thấy lăng quăng là thực tế đoàn kiểm tra đã ghi nhận

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ, BS Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết: Từ đầu năm 2015 đến ngày 6/9, toàn tỉnh ghi nhận 4.533 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2014. Những điểm nóng của sốt xuất huyết đang tập trung tại thành phố Biên Hòa (chiếm 50% số ca mắc của toàn tỉnh) sau đó là Định Quán, Long Thành, Trảng Bom.

Để kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại các hộ gia đình và chính quyền cấp cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đi thực địa tại khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa. Thực tế kiểm tra 3 hộ gia đình, nơi tâm điểm dịch sốt xuất huyết cho thấy quanh khu vực có nhiều bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm ngang đầu người, khuôn viên nhà vườn của các hộ dân khá rộng, các vật dụng phế thải như: vỏ lon bia, vỏ dừa, chai lọ, bình hoa, bát nhang, chậu cảnh… đụng chỗ nào phát hiện lăng quăng chỗ đó. Mỗi hộ gia đình đều là một điểm nguy cơ sốt xuất huyết.

Phòng chống sốt xuất huyết: “đừng trông chờ vào y học” - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế không khỏi quan ngại trước kiểu chống dịch trên nóng, dưới lạnh
Thứ trưởng Bộ Y tế không khỏi quan ngại trước kiểu chống dịch "trên nóng, dưới lạnh"

Ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch UBND phường cho biết: Cộng dồn từ đầu năm, đến tháng 9, trên địa bàn có 647 ca bệnh (cao nhất trong toàn tỉnh). Trước sự bùng phát của dịch, phường đã có văn bản gửi đến các đơn vị quân đội, trường học đề nghị phối hợp phòng chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, phường đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, tiêu diệt mỗi và bọ gậy kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi.

Sau báo cáo của ông Phó chủ tịch, Thứ trưởng Thanh Long cùng Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu và một số thành viên khác đã bất ngờ kiểm tra việc xử lý các yếu tố nguy cơ sốt xuất huyết ngay trong khuôn viên của UBND phường Trảng Dài. Tại khu vực phía sau hội trường của phường, nhiều vật dụng chứa nước mưa nằm ngổn ngang, dùng đen pin soi xuống, Thứ trưởng và các thành viên đều ngao ngán lắc đầu vì lăng quăng đang tung tăng bơi lội.

Những ổ lăng quăng lúc nhúc trong các vật dụng phế thải tại các hộ gia đình thuộc phường Trảng Dài
Những ổ lăng quăng lúc nhúc trong các vật dụng phế thải tại các hộ gia đình thuộc phường Trảng Dài

Hậu quả từ việc chống dịch theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh” chính quyền cơ sở triển khai những chỉ đạo của cấp bộ ngành liên quan còn nặng tính lý thuyết và phong trào khiến người dân bàng quan đã tạo điều kiện cho dịch hoành hành.

Chỉ tính riêng số trẻ em mắc bệnh do sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai từ đầu năm đến nay đã lên tới 2.161 ca. BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc bệnh viện cho biết, sốt xuất huyết đang gây ra tình trạng quá tải rất căng thẳng tại khoa Nhiễm và khoa Hồi sức Cấp cứu.

Tại cuộc làm việc với ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “Sốt xuất huyết bùng phát tại Đồng Nai là do nhiều nguyên nhân như thời tiết, khí hậu thất thường, dân số cơ học gia tăng nhanh theo quá trình đô thị hóa… Nhưng bên cạnh đó là sự lơ là của địa phương như quản lý chỉ đạo chưa triệt để, người dân nhận thức được sự nguy hiểm của ổ lăng quăng và muỗi gây bệnh nhưng không biết các xử lý. Do đó, để công tác phòng chống dịch hiệu quả cần sự tham gia tích cực, đúng nghĩa của tất cả các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân.

Phòng chống sốt xuất huyết: “đừng trông chờ vào y học” - 5
Sốt xuất huyết đang đẩy áp lực quá tải lên cao tại bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai
Sốt xuất huyết đang đẩy áp lực quá tải lên cao tại bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai

Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm triển khai đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết để thức tỉnh sự tự giác của cộng đồng, tránh nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát rộng thêm của dịch. Tỉnh Đồng Nai cần có trách nhiệm trong triển khai, giám sát xử lý ổ dịch, đồng thời gắn trách nhiệm trên cho người đứng đầu tại địa phương.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh sốt xuất huyết bùng phát nhưng chưa vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu thì cộng đồng đừng trông chờ vào y học, muốn dập được dịch, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống của toàn xã hội.”

Thứ trưởng khuyến cáo: Biện pháp dễ làm nhất là diệt lăng quăng, mỗi gia đình chỉ cần dành 10 đến 15 phút trong tuần để kiểm tra quanh nhà, dọn dẹp các vật dụng phế thải chứa nước, kiểm tra bát nhang, lu khạp, xử lý lăng quăng bằng cách súc rửa thay nước, hoặc bỏ hóa chất, muối vào bát nước bình bông, bát nhang để muỗi không còn môi trường sinh sản…

 

Toàn cộng đồng cần chung tay với ngành y tế để đẩy lùi dịch bệnh
Toàn cộng đồng cần chung tay với ngành y tế để đẩy lùi dịch bệnh

Đại diện Bộ Y tế nhận định, thời gian tới dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Do đó, tỉnh Đồng Nai nói riêng và các địa phương khác trên cả nước cần tính tới những phương án ứng phó kịp thời khi dịch lan rộng như: phân tuyến, chỉ đạo tuyến, giải quyết vấn đề nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc… điều trị kịp thời, không để xảy ra ca bệnh tử vong. Bên cạnh đó, cần chú ý đến công tác phòng, điều trị bệnh tay chân miệng bởi từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm của cả sốt xuất huyết lẫn tay chân miệng.

Vân Sơn