Phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn yếu kém, chủ tịch tỉnh ra công điện

(Dân trí) - Trước thực trạng công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn còn nhiều yếu kém, hạn chế, bất cập, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra công điện chỉ đạo.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 2 triệu con lợn.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn yếu kém, chủ tịch tỉnh ra công điện - 1
Các giải pháp kiểm soát vận chuyển, quản lý giết mổ chưa triệt để.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến chiều ngày 9/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.357 hộ, 870 thôn, 277 xã, phường, thị trấn của 26/27 huyện, thị xã, thành phố (còn duy nhất huyện Vĩnh Lộc chưa để xảy ra dịch bệnh), buộc phải tiêu hủy 31.077 con lợn, trọng lượng hơn 200 tấn.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch. Đồng thời, tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày và xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn, nguy cơ cao dẫn đến số lượng lớn lợn phải tiêu hủy trong thời gian tới.

Trong khi, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thì công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, bất cập.

Cụ thể, công tác giám sát, phát hiện, báo cáo, công bố, tiêu hủy lợn bệnh, xử lý các ổ dịch bệnh chưa kịp thời, chưa triệt để; thực hiện các giải pháp kiểm soát vận chuyển, quản lý giết mổ chưa triệt để.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn yếu kém, chủ tịch tỉnh ra công điện - 2
Còn một bộ phận người chăn nuôi vì lợi ích trước mắt đã giấu, không khai báo và bán chạy số lợn nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại một số nơi còn chưa đảm bảo yêu cầu; còn một bộ phận người chăn nuôi vì lợi ích trước mắt đã giấu, không khai báo và bán chạy số lợn nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên vẫn còn chủ quan, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh chưa thực sự quyết liệt...

Tại huyện Lang Chánh, trong lúc 6/11 xã, thị trấn của địa phương này đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện này lại tổ chức cho các đại biểu đi trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh phía Nam 7 ngày (14-20/6/2019).

Tham gia chuyến đi có các đại biểu HĐND huyện, đại diện lãnh đạo HĐND-UBND huyện, đại diện lãnh đạo các phòng UBND huyện và đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh.

Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn yếu kém, chủ tịch tỉnh ra công điện - 3
Lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên vẫn còn chủ quan, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh chưa thực sự quyết liệt...

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời hoặc gian lận khai báo lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch...

Duy Tuyên