Phòng bệnh mùa đông cho dân văn phòng

(Dân trí) - Dân văn phòng “chống” lạnh cần có quy tắc nhất định. Ngoài thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng ra, 10 lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Phòng bệnh mùa đông cho dân văn phòng - 1
 

1. Lưu ý sự thay đổi nhiệt độ trong phòng

 

Nếu sống nhiều trong môi trường điều hòa sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm.

 

Khi từ ngoài đường bước vào phòng nếu cảm thấy nhiệt độ không thích hợp, thay vì điều chỉnh điều hòa, bạn có thể thêm hoặc bớt quần áo là được.

 

2. Tranh thủ ra ngoài trời

 

Nếu cả ngày chỉ ở trong phòng làm việc, bạn sẽ thấy toàn thân mệt mỏi, “mất hết cả tinh thần”. Vì thế nên tranh thủ thời gian nghỉ giải lao, đi ra ngoài “tận hưởng” ánh nắng mặt trời - một loại thuốc tự nhiên giúp phòng chống nhiều bệnh tật.

 

3. Luôn duy trì thói quen ăn uống tốt

 

Dân văn phòng thường bận rộn với công việc, hay “quên” giờ giấc ăn uống và thường đợi đến lúc bụng “nhắc nhở” thì mới ăn, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đặc biệt là bữa trưa thường hay ở ngoài ăn cho qua chuyện, vì vậy cần thường xuyên duy trì cân bằng dinh dưỡng và thới quen ăn uống điều độ.

 

4. Giữ cho phòng thông thoáng

 

Những nơi thông gió kém, độ ẩm thấp là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là mùa đông. Bạn hãy chú ý điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thích hợp và thường xuyên mở cửa sổ thông gió cho phòng được thông thoáng.

 

5. Đừng “cố” giảm cân

 

Kể cả vào mùa đông lạnh lẽo, một số chị em vẫn kiên cường và kiên trì giảm béo trong khi thời điểm này lại cần nhiều năng lượng cho cơ thể. Kết quả là làm suy giảm sức khoẻ, dễ bị các loại bệnh tật “tập kích”.

 

6. Hạn chế “đi đêm”

 

Uống rượu, hát karaoke sẽ khiến niêm mạc yết hầu và miệng bị “quá tải”, từ đó dễ bị tập kích bởi các loại bệnh tật. Tốt nhất bạn nên hạn chế các hoạt động “đãi khách” vào buổi tối.

 

7. Mỗi tuần nên tập luyện 1 - 2 lần

 

Kiên trì tập luyện 1 - 2 lần/tuần cũng đủ để duy trì sức khỏe, còn nếu bạn có niềm đam mê với một môn thể thao nào đó thì lại càng tốt.

 

Nói là tập luyện nhưng thực ra hàng ngày bạn chỉ cần đi bộ nhiều là được. Như thế có thể luyện tập sức khoẻ và thay đổi tâm trạng.

 

8. Tránh áp lực tinh thần và mệt mỏi thể chất

 

Bênh tật đặc biệt thích tấn công những người mệt mỏi, chán nản. Nếu bạn cảm thấy mệt thì nên tắm nước ấm, ngủ một giấc, đánh tan mệt mỏi càng sớm càng tốt. Không nên vì công việc mà cố gắng làm nốt cho xong, như thế sẽ làm cho sức chịu đựng của cơ thể “quá tải” và đương nhiên bệnh tật sẽ dễ dàng kéo đến.

 

9. Không hút thuốc nhiều

 

Hút thuốc quá nhiều sẽ làm suy giảm sức đề kháng của đường hô hấp và niêm mạc yết hầu, như thế vi khuẩn gây bệnh sẽ dễ xâm nhập vào.

 

Hút thuốc chẳng những không có một cái lợi nào mà còn kéo theo tới 100 cái hại. Vậy nên tốt hơn hết là bạn nên bỏ thuốc hoặc hạn chế hút thuốc.

 

10. Tinh thần thoải mái

 

Mỗi khi vào “mùa cảm cúm”, những người căng thẳng và chịu nhiều áp lực dễ bị nhiễm bệnh nhất. Nếu bạn cảm thấy sức khoẻ không đươc tốt, hơi mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi thư giãn một chút, thay đổi phương thức sinh hoạt hàng ngày và cố gắng tạo cho mình một cuộc sống thoải mái hơn.

 

Việt Anh

Theo health 39