Phòng bệnh bằng thở sâu
Càng thở nông càng dễ dẫn đến cao huyết áp (CHA). Thở sâu đến bụng dưới vừa giúp tăng dung tích sống, kiểm soát cảm xúc, chống stress vừa hình thành một cơ chế giống như quả tim thứ hai để cải thiện lưu thông khí huyết và phòng chống CHA.
CHA là một căn bệnh thầm lặng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Từ lâu, người ta đã biết được nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến căn bệnh chết người này. Ngoài những yếu tố thông thường đã được biết trước kia như: hút thuốc, uống rượu, béo phì, độ cholesterol máu cao, gần đây, một nghiên cứu khoa học đã cho biết hai dấu chỉ quan trọng có thể tiên đoán được sự phát triển CHA ở nhiều người. Đó là thở kém, thở nông và độ uric acid cao trong máu.
Cơ chế tương tác giữa hơi thở và áp huyết
Một báo cáo trên Science News (137,25:398) đã cho biết, lượng không khí hít vào và thở ra càng ít càng dễ có khuynh hướng bị CHA. Trung bình, mỗi ngày mỗi người thở khoảng 21.600 lần để cung cấp dưỡng khí cho các cơ quan. Nếu thở nông, thở kém chúng ta đã tước đoạt một phần dung tích sống của chính chúng ta. Não, tim và phổi làm việc chung với nhau để hoàn thành chức năng cung cấp dưỡng khí và máu cần thiết đến các cơ quan và tất cả các tế bào trong cơ thể. Khi thở nông hoặc dung tích sống kém sẽ kéo theo hệ quả hiệu suất co bóp của tim bị giảm đi, tim có thể đập nhanh hơn mà vẫn không đáp ứng đủ lượng máu đến các nơi, nhất là những khu vực ở xa, tổ chức ngoại biên hoặc tay chân. Lâu dần tình trạng này đè nặng áp lực lên tim và thành mạch máu dễ dẫn đến CHA. Ngược lại, nếu thở sâu, dung tích sống lớn, máu và dưỡng khí sẽ dễ được cung cấp đến các nơi. Mặt khác, thở sâu, thở tốt, cung lượng máu đầy đủ kéo theo sự giãn nở các cơ trơn bao quanh thành mạch máu không chỉ làm nhẹ áp lực lên thành mạch, giải tỏa bớt áp lực lên tim mà qua tương tác cơ và thần kinh còn có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm. Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến áp huyết.
Nên thở sâu như thế nào?
Khi nói đến thở sâu, người ta thường nghĩ đến lối thở vươn vai và hít hơi dài để tăng dung lượng của 2 lá phổi. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học phương Tây cũng đã quan tâm đến cách thở sâu đến bụng dưới của y học phương Đông. Trong khi phép thở bình thường chỉ sử dụng một phần cơ hoành và cơ ở lồng ngực thì ở cách thở bụng, thường gọi là cách thở triệt để, có thể vận dụng cả cơ bụng và các cơ đáy chậu. Hệ thống cơ hoành, cơ ngực, cơ hông và các cơ vùng đáy chậu hình thành nên một cơ chế giống như một quả tim thứ hai để thúc đẩy lưu thông khí huyết. Bụng dưới phình lên sẽ kéo theo hoành cách mô hạ xuống để nở rộng dung tích phổi.
Ngoài ra, ở thì thở ra, thở ra chậm và từ từ ép sát bụng dưới vừa có tác dụng xoa bóp nội tạng, vừa thúc đẩy khí huyết đến các nơi xa nhất của cơ thể, mà trong điều kiện thở bình thường việc trao đổi khí huyết khó xảy ra. Thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào còn có tác dụng tăng cường ức chế hệ giao cảm. Do đó cách thở này cũng giúp kiểm soát cảm xúc, chống stress, điều hòa huyết áp kể cả cắt cơn CHA thông qua cơ chế nở mạch, điều hòa thần kinh và hoạt động nội tiết.
Tập thở sâu nên nằm hoặc ngồi ở nơi yên tĩnh.
Thực hành: nằm hoặc ngồi ở nơi yên tĩnh. Buông lỏng cơ thể, đặt một bàn tay trên bụng dưới. Hít vào đến bụng dưới, cảm nhận rõ bụng dưới hơi nhô lên dưới bàn tay. Chỉ cần hít vào thêm so với bình thường một chút, không nên cố hít vào quá nhiều để tránh ngộp hơi hoặc làm mệt tim. Thở ra chậm, và từ từ cho đến cuối hơi trong khi ép dần bụng dưới xuống. Có thể thở ra bằng miệng. Miệng chỉ vừa mở đủ để hơi thở từ từ thoát ra. Cảm nhận rõ lúc đang thở ra khi bụng dưới xẹp xuống dần dưới bàn tay. Hít vào, thở ra từ hơi thở này đến hơi thở khác. Khi thuần thục, không cần đặt tay trên bụng dưới, có thể để 2 tay buông lỏng dọc 2 bên thân hoặc trên 2 đùi. Có thể thở mỗi lần một vài hơi thở ở bất cứ đâu hoặc sử dụng như một hình thức thiền trong một buổi tập dài hay ngắn, tùy theo điều kiện thời gian và sở thích của mỗi người. |
Theo Lương y Võ Hà
Sức khỏe & Đời sống