1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ "lừa" lấy phôi thai:

Phôi thai chỉ được hiến tặng khi có sự đồng ý của cả hai vợ chồng

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, người đàn ông "lừa" lấy phôi thai của vợ để thụ tinh cho người tình vừa được phát giác, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho rằng đây là sai sót rất lớn. Về nguyên tắc, dù hai vợ chồng có ly hôn, muốn tặng phôi cũng cần có sự đồng thuận của cả hai.

Theo GS Tiến, theo quy trình, hai vợ chồng có phôi thai chung, dù đang chung sống hay ly hôn, muốn hiến tặng phôi thai đó phải có sự đồng thuận của cả hai người, và phải kí vào văn bản đồng thuận. Còn trong trường hợp chỉ một người đồng ý sẽ không được phép, vì phôi thai là sản phẩm chung của cả hai người.

Phôi thai chỉ được hiến tặng khi có sự đồng ý của cả hai vợ chồng - 1

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Trung ương.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, quy trình này được thực hiện chặt chẽ, với sự có mặt của cả hai vợ chồng, kí trước mặt bác sĩ.

Cá nhân ông trong hơn 40 năm làm trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo cũng chưa từng gặp trường hợp "lừa" lấy cắp phôi thai của vợ chồng để cấy cho một phụ nữ khác.

Tuy nhiên, ông cũng đã gặp tình huống người đàn ông đưa người phụ nữ đến để thụ tinh, giả mạo là vợ chồng, bệnh viện phát hiện và từ chối làm việc.

Để kiểm soát nguy cơ phôi thai được sử dụng sai mục đích, GS Tiến cho biết Bộ Y tế đang thúc giục quy trình chặt chẽ, trong đó có việc kiểm soát bằng vân tay.

"Nếu làm được điều này sẽ không thể xảy ra tình trạng giả mạo chữ kí, giả mạo chứng minh thư... để lấy phôi thai như vừa xảy ra. Hơn nữa, việc này cũng giúp kiểm soát tình trạng hiến tinh trùng, hiến noãn. Theo đó, nếu một người đã từng hiến tinh trùng, hiến noãn ở trung tâm này rồi đến trung tâm khác để hiến tiếp sẽ được phát hiện, từ chối", GS Tiến cho biết.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, sự việc hy hữu xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, khi bệnh viện gọi điện kiểm tra xem người đặt phôi đã mang thai chưa thì người phụ nữ bất ngờ "ngã ngửa", vì chị mới đẻ con trai 7 tháng, chưa đặt phôi thai tiếp theo.

Bất ngờ chính người chồng thừa nhận đã giả mạo chữ kí, chứng minh thư để lấy phôi để chuyển cho một người phụ nữ 45 tuổi khác ở Bắc Giang và hiện người này đã có thai. 

Toàn bộ hồ sơ chuyển phôi lần 2 đều mang tên chị Nhàn, số điện thoại của cả hai vợ chồng. 14 ngày sau khi chuyển phôi, Trung tâm có gọi cho gia đình để hỏi kết quả. Lần đầu gọi cho chị Nhàn song chị không nghe máy, gọi cho chồng thì ông thông báo đã đậu thai. Đến lần thứ 2 gọi cho chị Nhàn là khi phôi đã đậu 21 ngày thì mọi việc mới vỡ lở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, quy trình làm thụ tinh ống nghiệm được thực hiện ở trung tâm rất chặt chẽ. Mỗi ngày trung tâm hiện chuyển phôi cho 10-20 trường hợp. Việc kiểm soát chia thành 4 lớp: rà soát giấy tờ (chứng minh thư nhân dân, giấy đăng kí kết hôn), rà soát khi thay quần áo, rà soát trước khi cắm truyền và lần cuối trước khi chuyển phôi.

Bên cạnh đó, Trung tâm có ngân hàng câu hỏi để kiểm tra như hỏi tên chồng, tên con, sinh nhật con, ngày đăng ký kết hôn, kết hôn ở đâu... Nếu trả lời sai thì sẽ phải yêu cầu check vân tay.

Trong trường hợp trên, cả chồng và người phụ nữ kia đều trả lời khớp tất cả các câu hỏi, hai người lại gần bằng tuổi nhau nên bệnh viện không phát hiện sai khác trên chứng minh nhân dân. Nhân viên y tế cũng không mảy may nghi ngờ nên đã dẫn đến việc phôi thai được lấy, chuyển đúng quy trình cho người phụ nữ mạo danh chị Nhàn.

Chị Nhàn cho biết chị cảm thấy rất buồn khi biết sự việc, khi mà chị  đã mất tiền, thời gian, công sức mới tạo được hai phôi thai, nhưng Bệnh viện lại làm mất phôi thai còn lại, nhất là chuyển phôi cho người tình của chồng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm