Hà Nội:

Hy hữu người đàn ông "lừa" lấy phôi của vợ thụ thai cho người phụ nữ khác

(Dân trí) - Sự việc hy hữu xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, khi bệnh viện gọi điện kiểm tra xem người đặt phôi đã mang thai chưa thì người phụ nữ bất ngờ "ngã ngửa", vì chị mới đẻ con trai 7 tháng, chưa đặt phôi thai tiếp theo.

Bệnh viện Bưu Điện cho biết, liên quan đến sự việc này, bệnh viện cũng bị "lừa" bởi chính người chồng của bệnh nhân có phôi thai gửi tại Bệnh viện.  Trong quá trình thực hiện chuyển phôi thai đều có sự tham gia của chồng nạn nhân. Mọi việc chỉ vỡ lở khi Trung tâm gọi điện cho người mẹ thực sự của phôi thai.

Hy hữu người đàn ông lừa lấy phôi của vợ thụ thai cho người phụ nữ khác - 1

Lập gia đình từ năm 1990, hai vợ chồng chị Nhàn (Quế Võ, Bắc Ninh) có với nhau được 4 người con. Trong đó cháu lớn nhất đã 29 tuổi, bé nhỏ nhất mới hơn một tuổi.

Cách đây 2 năm, vì muốn có thêm cháu thứ 4 song tuổi đã cao nên hai vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) để làm thụ tinh ống nghiệm. Kết quả có hai phôi thành công. Bác sĩ tiến hành chuyển phôi 1 vào ngày 31/12/2017 thì đến tháng 9/2018 thì chị sinh bé thứ 4 là con trai. Phôi còn lại được gửi giữ lại bệnh viện.

Khi bé trai mới được 7 tháng tuổi thì bất ngờ chị nhận được một cuộc gọi từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện hỏi về tình hình sức khỏe của thai nhi. Phía bệnh viện cho biết đã thực hiện chuyển phôi thứ 2 vào ngày 2/4/2019 và đã nhận được thông báo là thành công từ phía gia đình.

Bất ngờ chính người chồng thừa nhận đã lấy phôi để chuyển cho một người phụ nữ 45 tuổi khác ở Bắc Giang và hiện người này đã có thai.

Theo Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, Trung tâm thực hiện chuyển phôi cho người phụ nữ mạo danh là chị Nhàn vào ngày 2/4.

Toàn bộ hồ sơ chuyển phôi lần 2 đều mang tên chị Nhàn, số điện thoại của cả hai vợ chồng. 14 ngày sau khi chuyển phôi, Trung tâm có gọi cho gia đình để hỏi kết quả. Lần đầu gọi cho chị Nhàn song chị không nghe máy, gọi cho chồng thì ông thông báo đã đậu thai. Đến lần thứ 2 gọi cho chị Nhàn là khi phôi đã đậu 21 ngày thì mọi việc mới vỡ lở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, quy trình làm thụ tinh ống nghiệm được thực hiện ở trung tâm rất chặt chẽ. Mỗi ngày trung tâm hiện chuyển phôi cho 10-20 trường hợp. Việc kiểm soát chia thành 4 lớp: rà soát giấy tờ, rà soát khi thay quần áo, rà soát trước khi cắm truyền và lần cuối trước khi chuyển phôi.

Để làm thủ tục chuyển phôi, gửi phôi… đều phải có giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng bản gốc và có chữ ký của cả hai.

Bên cạnh đó, Trung tâm có ngân hàng câu hỏi để kiểm tra như hỏi tên chồng, tên con, sinh nhật con, ngày đăng ký kết hôn, kết hôn ở đâu... Nếu trả lời sai thì sẽ phải yêu cầu check vân tay.

Trong trường hợp trên, cả chồng và người phụ nữ kia đều trả lời khớp tất cả các câu hỏi, hai người lại gần bằng tuổi nhau nên bệnh viện không phát hiện sai khác trên chứng minh nhân dân. Nhân viên y tế cũng không mảy may nghi ngờ.

Theo lời chị Nhàn chia sẻ với bác sĩ thì chị bị mất chứng minh thư. Có một lần chị để bọc tiền 30 triệu đồng và chứng minh nhân dân ở cốp xe, nhờ chồng trông để đi vệ sinh. Lúc quay lại, chồng nói bị cướp.

Bên cạnh đó, để làm thủ tục chuyển phôi cần có card phôi (một tờ phiếu ghi lại chi tiết tạo được bao nhiêu phôi, đã chuyển phôi ngày nào, còn lại bao nhiêu). Người chồng sau khi nộp tiền lưu phôi, cầm card về đưa cho vợ sau đó giả vờ card bị mất trên đường về nên đến xin Bệnh viện cấp lại.

Để tránh những tình huống tương tự có thể xảy ra bác sĩ Nhã cho biết Trung tâm đang lắp hệ thống nhận diện vân tay và mống mắt, mỗi trường hợp sẽ có mã số riêng. Trước khi chuyển phôi sẽ yêu cầu kiểm tra cả 2 vợ chồng, chính xác mới được lấy phôi.

 Nam Phương