1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phó Thủ tướng: 20% dân số được tiêm vắc xin, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch

(Dân trí) - Tại Lễ tiếp nhận vắc xin Covid-19 do COVAX tài trợ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, việc tiêm vắc xin cùng với những nỗ lực chống dịch, chúng ta sẽ đẩy lùi Covid-19.

Chiều 1/4, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của COVAX Facillity thông qua UNICEF tài trợ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đại dịch Covid-19 là thách thức lớn cho toàn cầu. "Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta chứng minh, với sự đoàn kết của tất cả tổ chức, mọi người dân ở cộng đồng, quốc gia trên toàn thế giới, nếu đoàn kết nắm tay nhau sẽ cùng nhau vượt qua thách thức", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng: 20% dân số được tiêm vắc xin, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch - 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, việc tiêm vắc xin cùng với những nỗ lực chống dịch, chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch Covid-19. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thêm: "Điều đáng quý, không chỉ chúng ta chiến thắng bệnh tật, bảo vệ cuộc sống người dân. Trong lúc khó khăn, giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, cộng đồng, nhân loại, toàn nhân dân được phát huy. Chúng ta đã nghiên cứu, tìm ra vũ khí chống lại virus. Những nước giàu không chỉ riêng mình, mà chung tay với sự điều phối của Liên hợp quốc, chia sẻ, đóng góp của cải vật chất để nước chưa sản xuất được vắc xin được tiếp cận nguồn vắc xin đang còn rất khan hiếm, quý báu".

Đánh giá về dịch Covid-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã không để dịch bùng phát trên diện rộng. Điều này vừa vì lợi ích của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã tham gia tích cực trong nỗ lực chung với cộng đồng quốc tế phòng chống dịch Covid-19.

Theo Phó Thủ tướng, dù Việt Nam không phải là nước phát triển, nhưng ngay từ đầu đã nghiên cứu, phân lập virus, test thử phát hiện virus, và đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin để cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi đại dịch.

Trước đó, dù vắc xin COVAX chưa về đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã chủ động để có vắc xin Covid-19 nhập khẩu và tổ chức tiêm chủng rất thận trọng. Tất cả những quan ngại về phản ứng vắc xin gặp ở nhiều nơi, Việt Nam đang thực hiện tốt, kiểm soát tốt.

"Tôi tin tưởng, nếu thực hiện được mục tiêu 20% dân số được tiêm vắc xin Covid-19 chúng ta sẽ vượt qua thách thức đại dịch lớn của nhân loại", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng: 20% dân số được tiêm vắc xin, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch - 2

Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF cảm ơn các quốc gia đã hào phóng ủng hộ tài chính cho COVAX Facillity và nhấn mạnh: Đây là thời điểm tuyệt vời - thời điểm mà chưa ai trong chúng ta từng trải qua trước đây. UNICEF đang dốc sức đóng góp cho nỗ lực toàn cầu này thông qua kinh nghiệm và các mối quan hệ mà chúng tôi có được trong nhiều thập kỷ cung cấp vắc xin an toàn giúp cứu sống hàng triệu người.

"Chúng tôi hợp tác cùng với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông, cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin.

811.200 liều vắc xin tiếp nhận trong ngày hôm nay (1/4) là lô vắc xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility cho Việt Nam cùng với 92 quốc gia trên toàn thế giới.

Lô vắc xin này đã được chuyển đến bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Sau đó, Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc xin để tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố trong tháng 4.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc-xin phòng COVID19 phải đạt tới 75% dân số thế giới.

Phó Thủ tướng: 20% dân số được tiêm vắc xin, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch - 3

Kho lạnh bảo quản vắc xin Covid-19 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo kế hoạch, COVAX sẽ cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca. Lô đầu tiên dự kiến về ngày 25/3 với 1,37 triệu liều, tuy nhiên do nguồn cung hạn chế nên tiến trình cung ứng vắc xin bị chậm lại và lô đầu tiên đến Việt Nam ít hơn kế hoạch.

COVAX cam kết cung cấp cho Việt Nam 4,176 triệu liều vắc xin Covid-19 trong các đợt từ nay đến cuối tháng 5. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ số vắc xin này sẽ được COVAX cung cấp miễn phí thông qua UNICEF mua và cung ứng.

COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.

COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021. Hiện COVAX có 92 thành viên.

Trước đó, ngày 24/2, Việt Nam lần đầu tiên đã nhập về 117.600 liều vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca thông qua Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Đơn vị này đã  tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại các điểm tiêm trên khắp cả nước cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Từ nguồn vắc xin này, đến nay, cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại 19 tỉnh/TP cho 49.743 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Bộ Y tế cho biết, nguồn vắc xin AstraZeneca Việt Nam có được sẽ là 60 triệu liều. Trong đó, VNVC chuyển giao 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận (trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch) và 30 triệu liều vắc xin phòng COVID 19 từ COVAX

Ngoài ra, Bộ Y tế vẫn tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vắc xin của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...

Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được vắc xin bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

Năm 2021, tiêm chủng vắc xin đang được triển khai rất khẩn trương nhưng cuộc chiến chống đại dịch chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của virus đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị, tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là "Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch" theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.