Philips nâng cao chất lượng các giải pháp điều trị bệnh tim mạch

Tổ chức “Trái tim vì trái tim” (Heart for Heart Foundation) vừa tài trợ cho bệnh viện Đà Nẵng máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền Philips giúp điều trị các chứng bệnh liên quan tới mạch máu.

Theo ông Arjen Radder (Chủ tịch của tập đoàn chăm sóc sức khỏe Philips Healthcare khu vực Châu Á Thái Bình Dương), đây là một trong số những hoạt động tích cực mà Philips cam kết thực hiện, nhằm cải thiện số bệnh nhân tim mạch đang ngày một tăng nhanh ở Việt Nam.

Philips nâng cao chất lượng các giải pháp điều trị bệnh tim mạch
Ông Arjen Radder- chủ tịch tập đoàn Philips mảng chăm sóc sức khỏe giới thiệu về máy DSA lắp đặt tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Thưa ông, chiếc máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền của Philips (DSA) vừa được Tổ chức “Trái tim vì trái tim” (Heart for Heart Foundation) tặng Bệnh viện Đà Nẵng được xem là kỹ thuật mới nhất được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu. Đây thật sự là một tin vui cho các bệnh nhân. Xin ông chia sẻ thêm về kỹ thuật mới này?

- Ông Arjen Radder: Đây là một kỹ thuật chẩn đoán rất hiện đại với bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu. Hệ thống chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA - Digital Subtraction Angiography) dùng kỹ thuật chiếu tăng sáng được sử dụng trong điện quang can thiệp để quan sát các mạch máu nằm trong các tổ chức xương và mô mềm một cách rõ ràng. Các hình ảnh được tạo ra bằng cách loại bỏ đi các chi tiết hình ảnh trước đối quang (pre-contrast) trên các hình ảnh được chụp khi chất đối quang được đưa vào trong mạch máu hoặc tổ chức.

DSA đã được chứng minh đặc biệt hiệu quả trong việc xác định các triệu chứng bất thường của mạch máu, bao gồm các chứng nghẽn mạch, chít hẹp, mảng xơ vữa và phình động mạch. Kỹ thuật DSA thường được dùng để chẩn đoán trong một số trường hợp: tái tạo mạch tim, đặt Stent động mạch, can thiệp mật, chụp X-quang động mạch vành, chụp X-quang động mạch đùi, mở thông thận, đặt máy tạo nhịp tim.

Máy chụp mạch DSA của Philips giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan tới mạch máu.
Máy chụp mạch DSA của Philips giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan tới mạch máu.

Điều này sẽ mang đến những lợi ích cụ thể như thế nào cho người bệnh, thưa ông?

- Ông Arjen Radder: Các bạn cũng biết, việc phát triển kỹ thuật mới trong lĩnh vực chụp ảnh mạch máu là rất cần thiết, đặc biệt là quốc gia như Việt Nam. So với các nước tiên tiến, rất ít bệnh nhân tại Việt Nam có đủ khả năng chi trả cho kỹ thuật chẩn đoán, điều trị này.

Được biết bệnh viện Đà Nẵng hiện đang phục vụ hơn 1.600 lượt bệnh nhân mỗi ngày nên chúng tôi hi vọng kỹ thuật chụp ảnh động mạch DSA mới của Philips sẽ cho phép các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán cũng như đưa ra quyết định điều trị chính xác hơn ngay từ giai đoạn đầu. Máy sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ y tế ở bệnh viện Đà Nẵng, bằng cách giúp nâng cao khả năng điều trị các chứng bệnh liên quan đến mạch máu trong cộng đồng. Và bệnh nhân chính là những người được hưởng lợi ích trực tiếp từ đó.

Được biết, đây chỉ là một hoạt động trong chuỗi rất nhiều hoạt động mà Philips cam kết hỗ trợ tại Việt Nam, để cải thiện tình trạng số bệnh nhân tim mạch ngày một tăng cao. Xuất phát từ nguyên nhân thực tế nào, Philips lại dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, thưa ông?

- Ông Arjen Radder: Tôi xin chia sẻ những số liệu cụ thể thế này. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, hầu như mọi người chỉ mới tập trung vào các bệnh lây nhiễm như lao, sốt rét, bệnh truyền nhiễm… Tuy nhiên, hiện tại, chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến các bệnh không lây như bệnh tim, đái tháo đường, ung thư, chứng hô hấp kinh niên. Bởi lẽ, với con số 70% ca tử vong của Việt Nam là do bệnh không lây, mà 40% là do các bệnh về tim mạch, thì bệnh không lây - cụ thể là bệnh tim mạch - thực sự trở thành mối lo ngại của người dân Việt Nam.

Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi mong muốn hợp tác với các ban ngành liên quan tại các nước khu vực Châu Á, đặc biệt tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cung cấp những giải pháp tối ưu nhất để người dân có thể tiếp cận được và thăm khám sớm.

Như vậy, các bước cụ thể mà Philips thực hiện sẽ là gì?

- Ông Arjen Radder: Ở Việt Nam có 3 vấn đề tập trung mà chúng tôi thực hiện. Thứ nhất, đối với cán bộ y tế, chúng tôi làm việc thường xuyên với các trung tâm, các trường đại học hàng đầu để tổ chức những hội thảo khoa học và huấn luyện cho cán bộ y tế trong việc chẩn đoán hình ảnh và những bệnh liên quan. Thứ hai, chúng tôi kết hợp chặt chẽ với chính phủ và đặc biệt là Bộ Y tế trong việc tổ chức những hội đàm và thảo luận về những chính sách cũng như những thử thách và xu hướng của y tế, quản lý y tế tại Việt Nam.

Chúng tôi cũng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tổ chức và tạo ra cơ sở dữ liệu để chúng ta có thể hội nhập với Đông Nam Á trong cương lĩnh về quản lý trang thiết bị trong bộ y tế. Thứ ba, đối với bệnh nhân, chúng tôi mong muốn thông qua Bộ Y tế và các kênh truyền thông có thể nâng cao nhận thức của bệnh nhân về các bệnh không lây hiện nay, trong đó cụ thể là bệnh tim mạch, nhằm giúp mọi người quan tâm hơn đến vấn đề phòng bệnh và biết được những nơi thăm khám ban đầu, có những kế hoạch chăm sóc sức khỏe để góp phần vào việc phòng chống các bệnh không lây như tim mạch.

* Vâng, xin cảm ơn ông về những thông tin bổ ích và mong rằng thông qua những hỗ trợ tích cực từ Philips, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tại Việt Nam sẽ ngày càng có được những chẩn đoán điều trị tốt hơn.

Thu Hằng