Quảng Nam:

Phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ dưới thận ở cụ ông 82 tuổi

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 15/7, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vừa phẫu thuật ca bệnh thay đoạn động mạch chủ bụng bằng đoạn động mạch nhân tạo cho cụ ông 82 tuổi.

Trước đó, bệnh nhân L.T.C. (82 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng tại một bệnh viện trên địa bàn.

Phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ dưới thận ở cụ ông 82 tuổi - 1

Ekip mổ thay mạch nhân tạo cho bệnh nhân phình động mạch chủ bụng, 2 động mạch chậu chung (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân đau vùng thượng vị và quanh rốn, ở vùng rốn lệch trái có khối đập, căng dãn theo nhịp tim. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân và lên chương trình phẫu thuật.

Qua thăm khám, siêu âm và chụp cắt lớp xác định bệnh nhân có túi phình động mạch chủ bụng kích thước ngang 6cm dạng hình thoi, xơ vữa động mạch chủ bụng đoạn chia đôi động mạch thận kéo dài một đoạn khoảng 95mm, vôi hóa van động mạch chủ kèm hở trung bình van động mạch chủ. Túi phình thuộc nhóm có nguy cơ tự vỡ rất cao với hậu quả sốc mất máu và có thể dẫn đến tử vong.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu trì hoãn thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận và hai động mạch chậu chung.

Phẫu thuật được thực hiện với kỹ thuật thay đoạn động mạch chủ bụng và chậu chung 2 bên bằng động mạch nhân tạo hình Y.

Ca phẫu thuật diễn ra theo kế hoạch, túi phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân được loại bỏ và được thay thế bằng đoạn mạch nhân tạo. Bệnh nhân hồi phục ổn định và nhanh sau phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Lương Tấn - Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam - cho biết phình động mạch chủ bụng dưới thận là một bệnh lý thường gặp bởi bệnh lý có thể gặp ở người trưởng thành, thường gặp ở người có rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp có thể kèm suy thận, hẹp động mạch vành, hẹp động mạch cảnh, với nguy cơ xuất hiện tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim trong và sau mổ.

"Hội chứng Marfan là một hội chứng di truyền có thể gây đa phình mạch trong đó có phình động mạch chủ. Biểu hiện bên ngoài của người có hội chứng này là người cao, ốm, tay chân thon dài, cổ tay mỏng và có biểu hiện lệch thủy tinh thể ở mắt.

Tuy nhiên, một số người có thể không biểu hiện đầy đủ các triệu chứng của hội chứng Marfan. Hội chứng này có thể di truyền cho thế hệ sau và người mắc hội chứng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh lý phình động mạch chủ bụng.

Vì vậy, nếu người dân có người thân bị phình động mạch chủ bụng và có những biểu hiện cơ thể nêu trên, người dân cần tầm soát hội chứng Marfan để phòng bệnh các bệnh lý mô liên kết của mạch máu", bác sĩ Nguyễn Lương Tấn khuyến cáo.