Phẫu thuật thành công cho mẹ bầu mang 1 thai ngoài tử cung, 1 thai trong tử cung

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vừa qua, các bác sĩ tại bệnh viện Hồng Ngọc đã tiếp nhận điều trị cho thai phụ mang song thai ít gặp: một bào thai trong buồng tử cung, một bào thai ngoài tử cung, chiếm tỷ lệ 1/30.000 trường hợp mang thai.

Bài toán nan giải được đặt ra cho ê-kíp sản khoa, là làm sao vừa an toàn lấy thai ngoài tử cung trước khi biến chứng, vừa có thể bảo vệ thai nhi trong tử cung cho đến khi đủ tháng, mạnh khỏe chào đời.

Phẫu thuật "cân não" lấy thai ngoài tử cung ít gặp

Chị T.Q.P (31 tuổi - Hà Nội) đi khám thai tại bệnh viện Hồng Ngọc ở tuần thứ 6 của thai kỳ. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ nhận thấy chị P. mang song thai nhưng 2 thai lại nằm ở 2 vị trí khác nhau: một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường; thai còn lại nằm ngoài tử cung, vị trí tại đoạn kẽ vòi tử cung bên phải, có nguy cơ vỡ.

Nhận định về trường hợp này, BS.CKII. Đỗ Văn Tú (Trưởng khoa Sản Phụ khoa - BVĐK Hồng Ngọc) cho biết, đây là trường hợp ít gặp và khó trong sản khoa, đặt ra những thách thức với các bác sĩ. Thứ nhất, khối thai ngoài tử cung nếu không được xử lý nhanh chóng có thể bị vỡ, gây ra những biến chứng không lường trước.

Thứ hai, do bào thai này nằm vị trí bất lợi là kẽ tử cung, nơi có nhiều mạch máu nên có thể gây khó khăn cho việc phẫu thuật, chỉ cần có một sai sót rất nhỏ thì nguy cơ sảy thai trong khi phẫu thuật hoặc ngay sau phẫu thuật là vô cùng lớn.

Trước thách thức đó, các bác sĩ đã nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết cho cuộc phẫu thuật, từ cân nhắc tất cả các phương án đảm bảo hạn chế tổn thương tử cung, cho tới khâu cầm máu tạm thời ở những vị trí mạch máu đi qua trước phẫu thuật và dự trù máu trong trường hợp cần thiết.

Phẫu thuật thành công cho mẹ bầu mang 1 thai ngoài tử cung, 1 thai trong tử cung - 1

Ê-kíp phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung nhanh chóng và khéo léo, hạn chế tối đa nguy cơ mất máu cho mẹ.

Trong 15 phút nội soi căng thẳng, ê-kíp phẫu thuật đã đồng thời thăm dò kỹ lưỡng tất cả đường đi của các mạch máu, tìm con đường thuận lợi nhất để khéo léo tiến hành loại bỏ thai ngoài tử cung và hạn chế tối đa tình trạng mất máu cho thai phụ.

"Thao tác xử lý phải hết sức nhẹ nhàng để hạn chế tối đa tác động đến buồng tử cung, ngăn việc mất máu nhằm đảm bảo an toàn cho thai đang phát triển", bác sĩ Tú nói thêm.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Vài tiếng sau, sức khỏe chị P. và thai trong tử cung dần ổn định. Tuy nhiên hành trình giữ thai trọn vẹn đến ngày sinh vẫn đặt ra nhiều thách thức.

Hành trình giữ thai đầy thử thách đến cuộc vượt cạn thành công

Mặc dù nguy cơ vỡ khối thai ngoài tử cung đã được loại bỏ, nhưng cả sản phụ và bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai hoặc sinh non bất cứ lúc nào trong quá trình em bé lớn lên do tử cung chưa lành hẳn.

"Việc cấp thiết nhất là làm thế nào để làm cơ tử cung phát triển tốt hơn và mềm lại, từ đó tử cung mới có thể chịu đựng được khi thai to", bác sĩ Tú cho biết.

Vì vậy, bên cạnh động viên thai phụ, các bác sĩ cũng nhanh chóng đưa ra kế hoạch theo dõi thai nghén chi tiết với việc điều trị nội khoa tích cực, cho thai phụ sử dụng các loại thuốc dự phòng sinh non, dự phòng cơn co tử cung ngay từ những tuần đầu tiên cho đến hết thai kỳ. Trong những tuần thai cuối, chị P. được sử dụng thêm thuốc cắt cơn gò để đảm bảo thai có thể phát triển đến khi đủ tháng.

Phẫu thuật thành công cho mẹ bầu mang 1 thai ngoài tử cung, 1 thai trong tử cung - 2

Thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có dấu hiệu mang thai là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm các bất thường sản khoa.

Sau hơn 30 tuần nỗ lực từ cả thai phụ và y bác sĩ Hồng Ngọc, em bé đã chào đời ở tuần thai 37 với cân nặng 3,5 kg, cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc.

"May mắn khi mình đã đặt trọn niềm tin vào bệnh viện Hồng Ngọc và bác sĩ Tú. Trong suốt thai kỳ, mình được các bác sĩ quan tâm sát sao, tư vấn kỹ càng. Nghe tiếng khóc của con, mình đã có thể thở phào nhẹ nhõm", sản phụ P. chia sẻ.

30.000 ca mới có 1 trường hợp mang song thai - 1 trong 1 ngoài tử cung

Giải thích về trường hợp mang song thai nhưng 1 thai trong tử cung và 1 thai ngoài, bác sĩ Tú cho biết đây là tình trạng ít gặp, chỉ gặp ở 1/30.000 các mẹ mang thai. Các song thai ngoài tử cung thường nằm ở cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, kẽ vòi tử cung và ở sẹo mổ lấy thai cũ.

Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ, nhưng thai ngoài tử cung có thể không gây ra các triệu chứng điển hình trong những tuần đầu và thường được phát hiện qua siêu âm. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ phát hiện được khối thai ngoài khi chúng đã phát triển to và gây các triệu chứng như đau bụng dữ dội hoặc chảy máu ồ ạt do vỡ.

Bác sĩ Tú khuyến cáo, chị em cần đến bệnh viện để thăm khám khi có dấu hiệu mang thai như chậm kinh, vú căng, ra máu âm đạo màu nâu,... Thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chất lượng là biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tai biến sản khoa trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm