(Dân trí) - Cùng với những khó khăn trong việc tìm nguồn cho phù hợp, bệnh nhân còn phải có khoảng 1,5 tỷ đồng để thực hiện ca ghép gan. Khoản tiền này là “vật cản” khó vượt qua của đa số người bệnh.
Ngành ghép tạng đã phát triển tại Việt Nam 20 năm qua nhưng số ca ghép gan mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1992 trường hợp ghép tạng đầu tiên của Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện 103 (Học viện Quân y). Dù đi sau các nước phương Tây gần nửa thế kỷ nhưng các bác sĩ Việt Nam đã nhanh chóng “đi tắt đón đầu” gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực này.
Năm 2004, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện thành công tại Học viện Quân y, Hà Nội. Số người cần ghép nhiều nhưng đến nay trên cả nước mới có 16 trẻ em được ghép gan tại bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội và bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM; 8 ca ghép gan ở người lớn tại Học viện Quân y, Hà Nội; bệnh viện Việt Đức, Hà Nội và mới đây nhất là bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Trong khi theo thống kê, trên cả nước hiện có hàng nghìn bệnh nhân cần phải được ghép gan để duy trì sự sống.
Nhu cầu nhiều nhưng số ca có đủ điều kiện ghép gan quá ít
Theo phân tích của BS Nguyễn Tấn Cường, Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, bệnh viện Chợ Rẫy, kỹ thuật ghép gan đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Dưới góc độ y học thì đây là kỹ thuật mới, Việt Nam đang từng bước áp dụng can thiệp cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan, xơ gan, ung thư gan nguyên phát giai đoạn đầu…
Dù bác sĩ đã được cử đi học tại các nước, nắm khá chắc tay nghề nhưng trang thiết bị trong nước còn chưa đủ để đáp ứng. Trong ca ghép cho bệnh nhân C.T.K.Đ. (52 tuổi) mới được tiến hành tại Chợ Rẫy, ngoài những dụng cụ máy móc các bác sĩ Hàn Quốc còn phải mang theo cả chỉ khâu.
Xét ở góc độ của người bệnh thì ca ghép chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện như nguồn cho gan tương thích, chi phí ghép, tâm lý của người cho và người nhận. Theo BS Tấn Cường, “Gan là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể người có khả năng tái sinh. Do đó, ở bệnh nhân còn sống cho gan, chức năng gan sẽ phục hồi trở lại trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tuần. Sau 3 tháng, gan đạt thể tích gần 80% so với ban đầu.
Tuy nhiên để tìm được nguồn cho phù hợp không đơn giản. Qua sàng lọc tại bệnh viện Chợ Rẫy trên 7 bệnh nhân và hàng chục thân nhân, tìm cặp cho và nhận phù hợp để thực hiện ca ghép gan đầu tiên, thực tế cho thấy đa phần những người cho gan không gặp “chứng nọ” thì cũng “tật kia”. Nhiều người cho có nhóm máu phù hợp, thể tích gan tương xứng… nhưng khi kiểm tra thì lại bị viêm gan siêu vi B hoặc bị xơ gan do dùng quá nhiều bia rượu.
Một nguồn khác có thể cứu sống bệnh nhân gan là ở người cho bị chết não. Tuy nhiên quan niệm và văn hóa Á Đông khiến việc vận động và thuyết phục thân nhân của những người xấu số này trở nên vô cùng khó khăn. Trong trường hợp được hiến tặng thì gan của người cho chết não cũng chưa chắc đã sử dụng được vì những “chứng nọ, tật kia” kể trên.
Điều thuận lợi đối với những bệnh nhân cần ghép gan ở Việt Nam hiện nay là mối quan hệ tình cảm gia đình gắn kết có thể giúp người bệnh tìm được nguồn cho từ chính những người thân còn khỏe mạnh của họ.
Sau ca ghép tại Chợ Rẫy hai mẹ con bà Đ. đang nhanh chóng bình phục
Tuy nhiên, vật cản lớn nhất đối người có nhu cầu được ghép chính là nguồn kinh phí khổng lồ. Được biết, giá cho một ca ghép này tại Singapore là 4 tỷ đồng, giá trung bình của thế giới khoảng 2 tỷ đồng. Những ca ghép được tiến hành tại Việt Nam có giá mềm hơn với khoảng 1,5 tỷ đồng.
BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, nhu cầu ghép gan ở người bệnh rất lớn song chi phí cho một ca ghép gan đang ở mức quá cao. Với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay, đa số bệnh nhân không thể lo nổi chi phí để thực hiện ca ghép.
Sức khỏe của hai mẹ con bà D. diễn tiến tốt
BS Nguyễn Tấn Cường cho biết, ngày thứ 3 sau ca phẫu thuật cắt ghép gan sức khỏe của hai mẹ con bà C.T.K.Đ. diễn tiến rất tốt. Dù vẫn phải nằm trong phòng vô trùng nhưng hai mẹ con bà Đ. đã tập đi lại được. Người mẹ còn được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch nhưng con trai bà đã ăn được súp.
Cả người nhận và người cho các chỉ số xét nghiệm máu, chức năng gan, miễn dịch… đều trong tầm kiểm soát.
Được biết ca ghép này phục vụ cho cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng ghép gan theo mô hình người sống cho tạng và mô hình người chết não hiến tạng” toàn bộ chi phí cho ca ghép được Bộ Y tế và bệnh viện Chợ Rẫy tài trợ.