Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế
(Dân trí) - Đó là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%.
Tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Cả nước mới có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau dù một số địa phương đã quan tâm và thành công bước đầu trong phát triển một số cây dược liệu có tính chất hàng hóa lớn như nghệ, táo mèo, thảo quả, atiso, quế, hoa hòe, cúc hoa, sâm Ngọc Linh.
Do đó, về quan điểm, định hướng phát triển ngành dược liệu, Thủ tướng khẳng định phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường bào chế, chế biến dược liệu và quảng bá mạnh mẽ. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường.
“Tôi nghe đồng chí Vũ Đức Đam nói là riêng từ cây sâm Hàn Quốc, người ta đã dành 60% thời gian ban đầu để quảng bá và họ sản xuất ra mấy trăm loại sản phẩm khác nhau”, Thủ tướng nói. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, dược tính của sâm Hàn Quốc không bằng sâm Ngọc Linh.
Thủ tướng yêu cầu phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng, tập trung phát triển. Tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”.
Giao Bộ Y tế tạo điều kiện phát triển dược liệu tối đa
Trên những quan điểm, định hướng như vậy, Thủ tướng nêu rõ phải có một số chính sách đặc thù để phát triển cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ liên quan xây dựng cơ chế này như:
Xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gene và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu. Có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền. Tiếp tục triển khai chương trình phát triển y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại.
Lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý, hiếm (bao gồm cả thuốc cổ truyền) có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng); liên kết giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng.
Bộ Y tế cùng với các thành phố lớn, các địa phương cần thu hút, đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn, có thị trường. Nghiên cứu hình thành các trung tâm dược liệu lớn.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận giống cây dược liệu, bảo đảm chất lượng giống; khẩn trương ban hành các quy trình chuẩn trong nuôi trồng dược liệu.
Trong chế biến, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi, vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu, trước hết là đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chế biến dược liệu quy mô công nghiệp.
Đề nghị đưa dược liệu và thuốc cổ truyền vào bảo hiểm y tế
Về sử dụng dược liệu, Thủ tướng đặt vấn đề cần mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến. Có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.
Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ và trách nhiệm, bố trí nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Các địa phương trọng điểm phải có nhân lực chuyên trách quản lý về dược liệu. Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Bộ Nội vụ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Y tế chủ trì khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn dược liệu làm công cụ quản lý. Tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông dược liệu, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.
Bộ Y tế phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm của các nước. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu.
Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch để triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch; bố trí diện tích phù hợp để nuôi trồng, đặc biệt chú trọng đến các loại dược liệu thế mạnh của địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu.
Thủ tướng tin tưởng, sau Hội nghị này, với các chính sách và giải pháp phù hợp, ngành dược liệu Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.
Trần Phương