Phát sợ cả nhà đều mắc quai bị, biến chứng nguy hiểm

Chồng, con đều bị mắc quai bị và tự khỏi, nên đến lượt mình bị quai bị, chị P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không đi viện mà tự mua kháng sinh về uống. Đến khi đau đầu dữ dội, buồn nôn mới nhập viện thì đã bị chẩn đoán viêm màng não.

Tin từ Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện. Điều đáng nói là trước đó con trai 5 tuổi và chồng chị đều mắc quai bị. Tuy nhiên chị đã không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về điều trị. Uống kháng sinh 5 ngày mà không đỡ, có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì chị mới chịu vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, xét nghiệm dịch màng não tủy, chị được xác định viêm màng não do virus.

TS Nguyễn Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân quai bị (Ảnh Mai Thanh)
TS Nguyễn Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân quai bị (Ảnh Mai Thanh)

Theo TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...

“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi vi-rút tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này”, TS Cường nói.

Với các bệnh mùa xuân, TS Cường cũng cảnh báo thêm về bệnh sở. Từ đầu tháng 11, Khoa Truyền nhiễm đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi. Hiện tại, bệnh nhân Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) đã nhập viện sau 4 ngày với chẩn đoán bị Sởi,xuất hiện ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng. Ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều.

Cũng theo TS. Đỗ Duy Cường: Trẻ em không được tiêm vắc-xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có nguy cơ. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.

Người lớn cũng có thể mắc sởi (Ảnh Mai Thanh)
Người lớn cũng có thể mắc sởi (Ảnh Mai Thanh)

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục, kèm theeo các dấu hiệu viêm long. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Có những chấm nhỏ khoảng 1mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 - 18 giờ.

Sau khi sốt 3 - 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da.

Phát sợ cả nhà đều mắc quai bị, biến chứng nguy hiểm - 3

Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 - 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Cần phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng (trẻ thường phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...).

Điều đáng sợ nhất của sởi là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.

Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…).

Tăng cường vệ sinh tay là cách phòng bệnh khá hiệu quả mà đơn giản. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Theo Tuấn Kiệt

Dân Việt