Về trường hợp sản phụ tử vong do mang thai trong gan:
Phát hiện quá muộn!
Trước sự quan tâm của dư luận, sáng 17/9, Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và ê kíp thực hiện ca mổ cho sản phụ L.T.L đã tổ chức cuộc gặp chính thức với báo chí công bố thông tin về nguyên nhân gây tử vong của ca sản bệnh được xem là hiếm gặp trong y văn thế giới: thai trong gan.
Ca hiếm trong y văn thế giới
Theo bệnh án mà BV Từ Dũ (BVTD) cung cấp, sản phụ L.T.L 27 tuổi, sống tại Kiên Giang, nhập viện BV Đa khoa Kiên Giang chuyển lên với chẩn đoán ban đầu: có thai trong ổ bụng. trước đó 2 tháng, chị L bị tắc kinh và đau bụng cấp nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân đã được chẩn đoán là có thai ngoài tử cung (TNTC) và được phẫu thuật cắt tai vòi phải.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân về nhà vẫn đau bụng âm ỉ nhưng không đi tái khám. Sau đó, bệnh nhân thấy đau liên tục vùng hạ sườn phải nên đi tái khám. Siêu âm bằng ống dò ổ bụng tại BV đa khoa Kiên Giang đã phát hiện bệnh nhân có thai trong ổ bụng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển gấp lên BVTD, chẩn đoán có một thai sống trên 22 tuần trong ổ bụng dưới gan, bánh nhau dày 47mm xâm lấn gan và có mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch gan phải.
Theo bác sĩ Phan Văn Quyền, Ban Cố vấn BVTD: Đây là một dạng TNTC nhưng không đóng ở một số vị trí thường thấy như tai vòi mà là ở gan, là trường hợp TNTC hiếm gặp trong y văn thế giới với tỷ lệ khoảng 0,01%. Cho đến nay, cả thế giới mới phát hiện được 23 ca TNTC có vị trí ở gan, riêng tại Việt Nam có 3 ca: 1 ca được phát hiện tại BV Hùng Vương (năm 2002) khi thai được 2 tháng tuổi, ca mổ lấy thai được thực hiện thành công nhờ phát hiện sớm; 1 ca khác được phát hiện ở BV TƯ Huế (năm 2004) với chẩn đoán ban đầu là áp se gan, sau đó mới phát hiện thai trong gan và điều trị nội khoa bằng cách chích thuốc Methotrexate, triệt tiêu thành công khối thai 6 tuần tuổi.
Ca của sản phụ L.T.L là ca thứ 3 phát hiện tại Việt Nam với tuổi thai khá lớn: gần 6 tháng tuổi. Cũng theo BS Quyền, từ trước đến nay, thế giới chỉ ghi nhận được 1 trường hợp thai phát triển đủ tháng tuổi ngay trong gan mà vẫn điều trị thành công với cả mẹ và con đều sống.
Nguyên nhân tử vong: Phát hiện quá muộn
Tại BVTD, dù đã tiên lượng trước tỷ lệ thành công rất thấp nhưng Hội đồng hội chẩn liên viện gồm các bác sĩ của: BVTD, Trung tâm Y khoa Medic và BV Chợ Rẫy vẫn phải quyết định mổ gấp lấy khối thai vì trong trường hợp này khi phải nuôi thai, mạch máu cuống gan sẽ phải tăng sinh, phát triển rất nhiều nên khả năng vỡ và chảy máu sẽ xảy ra bất cứ khi nào, rất nguy hiểm cho thai phụ. Phương pháp phẫu thuật và điều trị được xác định với các bước: xẻ túi thai, lấy thai và để lại bánh nhau trong túi thai để sau đó tiếp tục điều trị với Methotrexate.
Đúng như dự đoán ban đầu, ngay khi mở ổ bụng, ê kíp mổ phát hiện đã có chảy máu ổ bụng với khoảng 200ml máu. Các phẫu thuật viên đã thực hiện mở được túi thai và lấy ra được khối thai khoảng 600gr được xác định là một bé gái đã chết và theo quy trình sẽ tiếp tục hút hết dịch ổ bụng, kẹp cuống rốn, cắt rốn và đóng ổ bụng là hoàn tất ca mổ.
Tuy nhiên, khi lấy khối thai ra, dù đã cố gắng để lại nhau thai nhưng do bánh nhau tự tróc ra và chảy máu rất nhiều, các phẫu thuật viên buộc phải quyết định lấy bánh nhau và cắt một phần gan do bánh nhau bám vào đó. Đây là một kỹ thuật rất phức tạp và cầm máu vô cùng khó khăn. Các bác sĩ đã thực hiện cột các mạch máu từ cuống gan, chèn gạc để cầm máu trong và truyền 8 đơn vị máu và huyết tương nhưng vẫn không thể kiểm soát được. 15 phút sau đó, máu chảy đầy vùng mổ, bệnh nhân ngưng tim và được xác định tử vong do mất máu.
Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh - Giám đốc BVTD, nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công là tương đối cao. Theo bác sĩ Phan Văn Quyền: Việc phát hiện sớm là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của việc điều trị TNTC, nhất là với những ca phức tạp như thai ngoài ổ bụng, đặc biệt là thai trong gan. Ở trường hợp sản phụ L.T.L, do chỉ được phát hiện khi tuổi thai đã khá lớn, hơn nữa tình trạng bệnh của ca này cũng rất phức tạp với bánh nhau bám vào đến 2/3 gan nên dù quyết định mổ là kịp thời (với tình trạng đã xuất huyết ổ bụng của bệnh nhân) nhưng cũng không thể tránh khỏi tử vong cho sản phụ.
Với trường hợp trên, các nhà chuyên môn một lần nữa lưu ý việc tầm soát và phát hiện sớm những bất thường trong thai kỳ là rất cần thiết
Theo Kim Liên
Sài Gòn giải phóng