1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phát hiện một trường hợp bị lao lách cực hiếm gặp

(Dân trí) - Lao lách với tần suất mới chỉ được ghi nhận vài ca trên toàn thế giới vừa được bệnh viện Quận Thủ Đức ghi nhận. Sau khi điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp nhưng bệnh không thuyên giảm, bác sĩ đã buộc phải cắt lách của bệnh nhân.

Ngày 28/6, BS Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu và Ngoại tổng quát, bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM cho hay, tại đây vừa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh lao lách cực hiếm gặp.

Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận, bệnh nhân có nhiều nốt áp xe tại lách
Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận, bệnh nhân có nhiều nốt áp xe tại lách

Bệnh nhân V.T.L. (39 tuổi) đến khoa Ung bướu Ngoại tổng quát khám vì đau bụng và sốt kéo dài. Qua xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có nhiều nốt áp xe nhỏ tại lách. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng các loại kháng sinh phối hợp nhưng không thuyên giảm, nên các bác sĩ phải đưa ra quyết định khó khăn khi buộc phải phẫu thuật cắt lách của người bệnh. Kết quả sinh thiết bệnh phẩm cho thấy người bệnh bị nhiễm vi trùng lao tại lách. Hiện bệnh nhân đang điều trị đặc trị lao.

Phân tích chuyên môn của BS Triệu Vũ cho thấy, lao là một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời và khó trị nhất hiện nay, tại Việt Nam số bệnh nhân lao vẫn còn nhiều. Khác với những năm trước đây, vi trùng lao sau khi xâm nhập qua đường hô hấp (hít vào) và đường tiêu hóa (nuốt vào) thường tấn công vào phổi gây lao phổi hoặc lao ruột (ho kéo dài, sốt, sụt cân, tiêu chảy ), những năm gần đây ghi nhận số bệnh nhân bị lao tại các vị trí hiếm gặp như da, hạch, ổ bụng... tăng lên, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ.

Lao tại lách là bệnh lý cực hiếm gặp với tần suất chỉ mới vài ca được ghi nhận trên toàn thế giới nên việc xử trí khá khó khăn. Những bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau bụng kéo dài nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Bệnh lao nói chung, việc điều trị cần thời gian theo dõi và đánh giá, do đó bệnh nhân nên kiên nhẫn và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Thực tế, nhiều bệnh nhân do nôn nóng, muốn sớm khỏi bệnh nên liên tục đến khám tại nhiều bệnh viện khác nhau, sử dụng kháng sinh kéo dài, không kiểm soát khiến vi trùng lao kháng thuốc dẫn tới bệnh nặng và khó điều trị thêm.

Vân Sơn