Phát hiện 1 hoóc-môn do xương sản xuất giúp giảm cân

(Dân trí) - Các nhà khoa học đang nghiên cứu về một loại hoóc-môn do xương sản xuất có ảnh hưởng đến nồng độ chất béo và insulin.

Hoóc-môn Osteocalcin trong xương giúp giảm cân
Dường như xương đang sản xuất ra 1 loại hoóc-môn ảnh hưởng đến lượng chất béo và insulin trong cơ thể

GS.Thomas Clemens, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học John Hopkins, giải thích: “Đây là loại hoóc-môn bí ẩn – chưa ai biết rõ về những ảnh hưởng của nó. Giờ đây, chúng tôi mới chỉ bắt đầu nhận ra nó có hiệu lực trên toàn bộ cơ thể”.

Loại hoóc-môn này có tên là Osteocalcin. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Béo phì vào năm 2013 cho rằng, những người thừa cân với lượng osteocalcin thấp sẽ có nhiều chất béo xung quanh nội tạng.

Mỡ nội tạng này ép các cơ quan như gan, tuyến tuỵ, làm giảm khả năng hoạt động của chúng, và tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường loại.

Một số người có mức osteocalcin tự nhiên thấp hơn hơn bình thường. Nghiên cứu cũng cho thấy một điều thú vị là lượng osteocalcin có thể ảnh hưởng đến mức độ của những loại hoóc-môn khác, chẳng hạn như hoóc-môn leptin, giúp kiểm soát sự thèm ăn.

Tại sao hoóc-môn osteocalcin lại giúp con người giảm cân và khỏe mạnh hơn?

Các chuyên gia tin rằng chất Osteocalcin do xương sản xuất giúp lượng insulin, đường huyết và cả chất béo trong cơ thể ở mức ổn định.

"Osteocalcin cũng có thể ảnh hưởng đến việc tích lũy chất béo, mặc dù chúng ta vẫn còn chưa rõ cơ chế hoạt động của nó như thế nào", Tiến sĩ Celia Gregson, một nhà tư vấn cao cấp về cơ xương tại Đại học Bristol cho biết.

Phải làm gì để tăng lượng osteocalcin?

Chúng ta càng có tuổi, cơ thể càng sản xuất ít osteocalcin và có nhiều nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Một số chuyên gia cho rằng, tăng lượng osteocalcin là một yếu tố trong lý do tại sao tập thể dục giúp cơ thể loại bỏ chất béo và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ Gregson đang nghiên cứu xem liệu những loại thuốc điều trị loãng xương có thể ảnh hưởng đến nồng độ chất béo và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không?

Các nhà khoa học đã khảo sát trên 60 người bị loãng xương. Những người tham gia sẽ được dùng một trong ba loại thuốc chữa loãng xương là zoledronate, denosumab hoặc teriparatide.

Hai loại thuốc đầu tiên ngăn chặn các tế bào bị phá vỡ, giúp các tế bào xương chắc khoẻ.

Loại thuốc thứ ba, teriparatide, có tác động tăng cường hoạt động của các tế bào xương chắc khoẻ và có thể làm tăng nồng độ osteocalcin, làm làm giảm nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường.

Nhưng tiến sĩ Gregson cảnh báo vẫn còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận nào.

Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng kết quả nghiên cứu có thể là những yếu tố tiềm năng và biết đâu trong tương lai gần, chúng ta có thể sản xuất ra một loại thuốc tốt cho xương và kiểm soát được cân nặng, một loại thuốc có thể điều trị cả bệnh loãng xương và bệnh tiểu đường tuýp 2.

An Nhiên

Theo Dailymail