Phải tạo ra nhiều thầy thuốc giỏi ở tuyến cơ sở

(Dân trí) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng rất tự hào và có niềm tin ngành y tế Việt Nam sẽ ngày càng rút ngắn khoảng cách so với thế giới, thậm chí có những kỹ thuật còn vượt cả thế giới. Ngành y tế cần làm mọi cách tạo ra nhiều thầy giỏi, nhất là ở tuyến cơ sở để giảm tải, giảm tỉ lệ tử vong.

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

Tại Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Theo đó, 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là số giường bệnh kế hoạch (23,5/1 vạn dân) thực tế đã đạt 24 (con số thực kê là 30,5 giường/1 vạn dân); Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm xuống dưới 15%, đạt 14,1%.

Trong năm qua ngành y tế Việt Nam đạt rất nhiều thành tựu.
Trong năm qua ngành y tế Việt Nam đạt rất nhiều thành tựu.

17/18 chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành y tế đều đã hoàn thành. Chỉ duy nhất chỉ tiêu tuổi thọ trung bình chưa đạt.

Bên cạnh đó các công tác ngăn chặn dịch bệnh; đẩy mạnh đề án thực hiện BV Vệ tinh, giảm tải; tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) vượt chỉ tiêu; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Đổi mới toàn diện hệ thống y tế từ trạm y tế xã, huyện, tỉnh… đều đạt kết quả. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia được thế giới công nhận sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn và Việt Nam cũng là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên nhiên kỷ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận còn những khó khăn trong công tác y tế mà chưa giải quyết hết được, trong đó có tình trạng an toàn thực phẩm rất nhức nhối.

Theo bà Tiến, nguyên nhân của tình trạng này, không chỉ là tập quán, quy trình nuôi trồng sản xuất chế biến còn thủ công mà một số doanh nghiệp cũng bất chấp để đạt lợi nhuận cao nhất, nên họ sẵn sàng sử dụng các kháng sinh, hóa chất, các biện pháp để tăng lợi cao nhất nhưng gây hại sức khỏe người dân. Hay việc hàng giả, hàng lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc xuất xứ… cũng là những yếu tố đe dọa sức khỏe người dân. Vì thế, bà Tiến cho rằng việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân cần sự phối hợp chặt chẽ với bộ ban ngành liên quan. Bộ Y tế đã kí kết 3 bộ để thanh kiểm tra quyết liệt hơn, thậm chí xử lý hình sự với những vi phạm đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp đồng bộ để giảm tải, phát triển về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh; tiếp tục đổi mới thái độ, phong cách phục vụ lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới cơ chế tài chính, hỗ trợ người dân tham gia BHYT; đổi mới mô hình quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế…

Ngành y tế đã có một bước tiến dài!

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của ngành y tế đã đạt kết quả gần như toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, dù trong điều kiện còn rất khó khăn.

“Qua báo cáo của ngành, cũng như qua thực tế xã hội, nhân dân kiểm nghiệm có thể nói ngành y tế đã có bước tiến dài trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, từ đó đóng góp vào thành tựu chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.Anh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.Anh

Thủ tướng cũng bày tỏ, Việt Nam có nhiều lĩnh vực có khả năng và trên thực tế có thể rút ngắn được khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới, như lĩnh vực Công nghệ thông tin; sản xuất nông nghiệp; xây dựng cầu đường, điện năng… và đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Thủ tướng tự hào và có niềm tin ngành y tế Việt Nam đuổi kịp bằng bạn bè quốc tế, thậm chí có những mặt ta mạnh hơn cả quốc tế, khu vực. Như về y tế dự phòng, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất nhiều thành tựu, hay trong sản xuất vắc xin, Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ (rất ít các nước) đạt tiêu chuẩn sản xuất vắc xin của thế giới.

“Tôi đánh giá đó là một bước tiến dài, bước phát triển khá toàn diện của ngành. Tôi nói điều này để ngành chúng ta tự hào, tự tin và sẽ nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế phải làm tốt hơn nữa công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Dứt khoát ngành y tế không được để xảy ra dịch như dịch sởi. Việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu không được chủ quan lơ là, vì dịch xảy ra sẽ là đe dọa sức khỏe, sinh mạng người dân”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế phải tập trung huy động nguồn lực để xử lý nguồn nước thải bệnh viện ra môi trường. “Trong báo cáo ngành chỉ có 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế, vậy 46% còn lại thải đi đâu? Đương nhiên là thải ra sông suối, ruộng đồng”.

Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ công an làm sau để không còn nỗi lo lắng về thực phẩm bẩn nhiễm độc.

Trong việc giảm tải bệnh viện, Thủ tướng cho rằng người dân chắc chắn cũng cảm nhận được bước tiến dài trong ngành y, tình trạng quá tải dần được khắc phục, hiệu quả điều trị tăng lên.

“Bản chất của quá tải là do người dân tìm lên tuyến cuối, nơi có thầy giỏi chữa hiệu quả, vậy tại sao chúng ta không làm mọi cách để không chỉ có nhiều thầy giỏi tuyến trung ương mà phải có thêm nhiều thầy giỏi ở tuyến huyện, tuyến xã? Vì thế, Bộ Y tế phải mở rộng đào tạo bằng nhiều hình thức như ngành đã và đang triển khai. Thực sự tôi rất vui mừng vì nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã làm được nhiều kỹ thuật khó trước đó họ không làm được, nhờ thế mà tỉ lệ tử vong sẽ giảm đi. Vì thế, phải chăm lo, xây dựng đội ngũ thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên, có năng lực và y đức tốt”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đánh giá cao đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế, mục đích là để tạo ra thật nhiều thầy giỏi. Trung ương - tuyến tỉnh – tuyến huyện phải có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ để xây dựng đội ngũ cán bộ y tế giởi. Bởi rõ ràng cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể lo được nhưng không có nguồn nhân lực tốt sẽ không thể tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Có nhiều thầy giỏi, tỷ lệ tử vong giảm đi, thêm nhiều kỹ thuật mới người dân cũng sẽ đỡ tiền đi nước ngoài chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế phải có những chính sách, chiến lược về dân số; thúc đẩy BHYT toàn dân; cải cách thủ tục hành chính giảm thời gian chờ đợi. “Thấy người dân ngồi cả ngày cả đêm ôm con nhỏ chen chúc để được khám chữa bệnh thương dân quá. Vì thế phải cải cách thủ tục hành chính, đưa công nghệ thông tin vào để quản lý điều hành, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi…”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đồng ý với những kế hoạch của ngành y tế trong năm mới, trên cơ sở đề nghị ngành triển khai các nhiệm vụ đồng bộ toàn diện, không xem nhẹ lĩnh vực nào của y tế nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, từng thời điểm.

Thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng hứa với Thủ tướng toàn ngành sẽ nỗ lực hết sức để ngành y tế Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai với các nước trong khu vực, thế giới. Các nhiệm vụ trọng tâm khác như về BHYT, an toàn thực phẩm, tổ chức bộ máy ngành y tế từ tuyến xã, huyện… cũng sẽ được chú trọng đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

Hồng Hải