PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An và hành trình tìm âm thanh cho cậu bé nghèo
(Dân trí) - Câu chuyện của cậu bé Đỗ Bảo Nam và hành trình 6 năm đi tìm âm thanh cho con của đôi vợ chồng nghèo đã có một cái kết đẹp. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An cùng bệnh viện An Việt giúp ước mơ này trở thành hiện thực.
Cậu bé nghèo mang ước mơ tìm được âm thanh
Kết hôn được một thời gian, vợ chồng anh Đỗ Văn Đông và chị Lê Thị Oanh (thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chào đón cậu con trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ.
Tuy nhiên, anh Đông cho biết cậu con trai sinh năm 2015 thường xuyên ốm đau, thời gian nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Năm lên 2 tuổi, khi những đứa trẻ khác đã bi bô tập nói thì Nam vẫn không có chút phản ứng nào với âm thanh.
"Sau khi đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện, cháu được chẩn đoán điếc bẩm sinh. Không nghe được, cháu cũng không thể nói, tin này như sét đánh bên tai với hai vợ chồng trẻ", anh Đông nhắc lại.
Khi đó, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấy điện cực ốc tai để giúp cháu có thể nghe được, nói được nhưng chi phí ca phẫu thuật quá lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình. Số lương đi làm công nhân ít ỏi hàng tháng, con lại thường xuyên ốm đau nên dù cố gắng vay mượn khắp nơi anh chị vẫn không đủ tiền để phẫu thuật cho con.
Đến nay, khi con trai đã 6 tuổi, may mắn đã đến với gia đình khi Bảo Nam được mạnh thường quân tài trợ toàn bộ chi phí ốc tai, được PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An cùng bệnh viện An Việt tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, nằm viện cũng như theo sát trong quá trình tập luyện sau này.
Những ngày cuối tháng 11, sau suốt 6 năm, cuối cùng vợ chồng anh Đông cũng đã hiện thực được giấc mơ phẫu thuật cho con trai. Ca phẫu thuật tiến hành ở bệnh viện An Việt thành công, Nam đã ra viện và chuẩn bị một chặng đường mới gian nan không kém để hòa nhập với cuộc sống bình thường.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An: "Cấy ốc tai điện tử là phép màu của y học"
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết, trường hợp như bé Bảo Nam là can thiệp khá muộn vì thời điểm "vàng" để cấy ốc tai cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện nên bé Bảo Nam rất may mắn khi có mạnh thường quân và bệnh viện tài trợ.
Nếu trước đây, các trẻ bị điếc sẽ bị câm và không có giải pháp nào thì giờ với sự phát triển của y học, phương pháp cấy ốc tai điện tử là điều kỳ diệu giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống hay những người bị điếc đột ngột có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An, cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật trong đó người bị điếc sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não, khiến người bị điếc có thể nghe được âm thanh.
Ốc tai điện tử là một hệ thống điện tử phức tạp được cấy ghép vào bộ phận tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác, nhằm phục hồi chức năng nghe cho những bệnh nhân bị khiếm thính. Trong đó, mỗi ca phẫu thuật ốc tai điện tử sẽ kéo dài khoảng từ 1,5 - 2 giờ.
Sau 3 tuần phẫu thuật, hệ thống ốc tai điện tử sẽ được bật kích hoạt và hiệu chỉnh tìm ra ngưỡng âm thanh nhỏ nhất có thể nghe thấy và ngưỡng âm thanh lớn nhất để người cấy ghép nghe thấy mà không thấy khó chịu. Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ nhiều dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, bệnh nhân sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa An Việt - địa chỉ 1E Trường Chinh là địa chỉ cấy ốc tai điện tử hàng đầu với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ốc tai điện tử như: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An cùng nhiều giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ khác. Hệ thống trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất có thể.