PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: "Dạy học tức là đi học"
(Dân trí) - "Muốn giảng dạy tốt phải có kiến thức, khả năng sư phạm, mô phạm tốt. Thầy giáo cũng phải phấn đấu để hoàn thiện chính bản thân mình, hay nói một cách khác, dạy học chính là đi học ", Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Nhập ngũ năm 1979, tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1985, sau đó, ông về công tác tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Quân y 175 (BVQY175). Năm 1989, ông tốt nghiệp chuyên khoa 1- Gây mê Hồi sức Khóa I Đại học Y Dược TPHCM; Bảo vệ Luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1996 tại Học viện Quân y; trở thành Phó Giáo sư năm 2011 và sau đó là Thầy thuốc Nhân dân năm 2017.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã có bề dày cống hiến, học tập và rèn luyện không ngừng với tư cách là một bác sĩ, một nhà điều hành và là một người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩ khi tham gia giảng dạy từ năm 1986.
Từ năm 1996, ông là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Quân y, Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại BVQY175, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và sự phát triển của bệnh viện trong suốt hơn 37 năm công tác và làm việc tại đây.
Dưới đây là phần chia sẻ của ông, nhân dịp 20/11 vừa qua.
Muốn làm thầy trong ngành y không dễ
Vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo, 60 năm tuổi đời, 37 năm tuổi nghề và 26 năm là thầy giáo, ông có thể chia sẻ gì về nghề giáo?
- Với tôi, được làm nghề thầy thuốc và thầy giáo là tuyệt vời nhất. Cho đến giờ phút này, tôi luôn cảm ơn cả hai vai trò đó, chính những công việc này đã làm thay đổi tôi rất nhiều, để tôi có được ngày hôm nay.
Nghề y là một nghề đặc biệt, giảng dạy trong ngành y cũng có tính đặc thù. Nghề y là nghề thực hành, có lớp lang, thứ bậc rất rõ ràng, nếu bạn làm việc nghiêm túc thì chỉ cần ra trường trước một năm bạn đã có thể là thầy cho các lớp kế cận.
Giảng dạy lý thuyết và giảng dạy thực hành cũng có những sự khác biệt. Đại thi hào Johann Wolfgang Goethe từng viết: "Lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi", hiểu một cách đơn giản là phải thực tế, hiệu quả. Làm sao phải vận dụng thật tốt kiến thức lý thuyết vào trong thực tiễn lâm sàng. Đây là mấu chốt quyết định sự thành công của người thầy thuốc và điều này cũng giải thích cho việc nhiều sinh viên trong trường học tốt nhưng ra trường không phát huy được.
Có một câu nói cũng rất kinh điển: "Không có bệnh viêm ruột thừa nào cả, chỉ có những người mang bệnh lý ruột thừa mà thôi", đó là cái khó, cái phức tạp của nghề y mà các thế hệ đi trước hay nói "Điều thú vị của rừng rậm lâm sàng".
Trên thực tiễn thì nghề y lại rất biện chứng với cặp phạm trù lý luận - thực tiễn , chính vì vậy với một sinh viên y khoa có: Kiến thức tốt + thực hành giỏi + nghiên cứu = thành công.
Vậy muốn làm tốt công tác giảng dạy trong ngành y thì đòi hỏi những yếu tố gì?
- Muốn giảng dạy tốt, ta phải có kiến thức tốt, khả năng sư phạm tốt và khả năng mô phạm tốt. Tức là ta phải học rất nhiều trước khi dạy, phải liên tục học tập để cập nhật và hoàn thiện kiến thức. Từng đối tượng học phải có những phương pháp giảng dạy khác nhau và quan trọng hơn nữa là hành vi ứng xử của người thầy với học trò của mình. Chính vì vậy người thầy giáo cũng phải phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi để hoàn thiện chính bản thân mình hay nói một cách khác, dạy học tức là đi học.
Xã hội nào cũng vậy, nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, mà đối với ngành y lại rất quan trọng và khắt khe hơn rất nhiều. Lời thề của ông tổ ngành y Hippocrates vẫn là nền tảng của đạo đức ngành y mà ngày nay chúng ta gọi là y đức. Cùng với chuyên môn, y đức cũng là một quá trình bền bỉ, rèn luyện phấn đấu mà phẩm chất của những người thầy đi trước luôn là tấm gương ảnh hưởng sâu sắc cho các thế hệ theo sau. Cùng với y đức là tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật nghề nghiệp, hệ thống quy trình, quy chế, phác đồ, tiêu chuẩn…Không chỉ dạy nghề mà phải dạy cách làm người và làm nghề.
Mỗi lãnh đạo khoa phải là một người thầy lớn, là tấm gương của các thế hệ trẻ
Từng là Phó giám đốc Đào tạo - Nghiên cứu Khoa học vào năm 1996 cũng là thời hoàng kim của huấn luyện đào tạo và ngày nay nhiều thành tựu của BVQY 175 cũng bắt nguồn từ quá trình lịch sử đó, ông làm rõ hơn chặng đường mà bệnh viện 175 đã trải qua?
- Ai cũng hiểu nhân tố con người có ý nghĩa quyết định của mọi công việc. Ở một đơn vị hoạt động khoa học kỹ thuật đã quan trọng thì với bệnh viện lại càng vô cùng quan trọng. Thực trạng nguồn nhân lực của bệnh viện thời điểm đó vô cùng khó khăn từ số lượng, chất lượng, đến sự phân bổ điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ cho các chuyên khoa,… với những lý do khách quan và chủ quan khác nhau.
Vì không thể trông chờ vào nguồn phân bổ định kỳ, chúng tôi phải chủ động tạo nguồn tại chỗ, đây là quyết định có tính chất cách mạng của Đảng ủy và Ban giám đốc Bệnh viện thời điểm đó.
Sau một thời gian nỗ lực, bệnh viện đã mở hàng chục lớp chuyên khoa cấp 1, cấp 2, nội, ngoại chung và gây mê hồi sức, điều dưỡng. Có thời điểm có hơn 1.000 học viên các hệ được đào tạo tại bệnh viện. Từ những khóa học này, BVQY 175 - Học viện Quân y đã đào tạo ra hàng nghìn bác sĩ có trình độ sau đại học, hàng nghìn điều dưỡng trình độ trung cấp cho TPHCM và khu vực. Bệnh viện cũng tạo điều kiện cho các bác sĩ được học tập và trưởng thành tại chỗ, nhờ vậy trình độ giảng viên của bệnh viện được nâng lên một cách rõ rệt cả chuyên môn và ngoại ngữ, nhiều thầy cô sau khi học tập đã đủ điều kiện làm nghiên cứu sinh, đủ điều kiện làm giảng viên kiêm nhiệm của các trường y.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đào tạo thêm các chứng chỉ về phương pháp giảng dạy và phương pháp nghiên cứu khoa học. Việc ra mắt Tạp chí Y-Dược học lâm sàng BVQY 175 được cấp mã ISSN (International Standard Serial Number-Mã số tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ) đã tạo một vị thế mới cho bệnh viện .
Một quyết tâm lớn, đầy khó khăn thách thức nhưng đã tạo ra một diện mạo mới cho BVQY 175 đó là công tác đào tạo ngoại ngữ, với thành công này, chúng tôi tự hào về khả năng hội nhập quốc tế. Hàng năm có khoảng 20-30 suất đào tạo nước ngoài với nhiều hình thức, tạo nguồn dự bị cho bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, các hoạt động giao lưu Quân y của Bộ Quốc phòng. Cho đến nay chúng tôi đã có 9 cán bộ đã và đang tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài và khoảng hơn 100 cá nhân có trình độ IELTS từ 5.0 trở lên.
Năm 2021, Bệnh viện đón nhận thêm một Phó giáo sư là Đại tá, TS.BS Trương Đình Cẩm, Phó giám đốc BVQY175, đây là một nỗ lực phấn đấu của chính Phó giáo sư trong hơn 10 năm qua. Chúng tôi đã có pháp nhân Trung tâm đào tạo, chứng chỉ đào tạo Paramedic AHA Hoa kỳ. Chúng tôi đã ký kết hợp tác với Đại học Y Dược TPHCM , Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Nguyễn Tất Thành… Sinh viên, học viên các trường sẽ được gửi sang BVQY 175 học tập, thực tập và tham gia công tác điều trị tại bệnh viện,…
Phương pháp giảng dạy rất quan trọng trong huấn luyện đào tạo, ông có chia sẻ gì với các giảng viên trẻ về điều này?
- Phương pháp giảng dạy là một môn khoa học nhưng lại rất cần sự linh động sáng tạo, mỗi giảng viên đều có thể có một cách truyền đạt kiến thức của riêng mình, từ lý thuyết lâm sàng đến thực hành lâm sàng nội và ngoại khoa hoặc cận lâm sàng…
Y học hiểu thôi chưa đủ mà còn phải thuộc, thuộc thôi chưa đủ còn phải biết biện luận. Từ giao ban, điểm bệnh, hội chẩn, bình bệnh án, thông qua mổ, rút kinh nghiệm điều trị, kiểm thảo tử vong, kê đơn thuốc, kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật,…phải luôn ý thức chỗ nào cũng là dạy và học.
Từ cách hỏi bệnh, khai thác tiền sử, bệnh sử, tư vấn cho người bệnh chỉ định xét nghiệm, đơn thuốc cách sử dụng, lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật,…phải hết sức cặn kẽ, tỉ mỉ, chu đáo tạo niềm tin và khả năng hợp tác của người bệnh. Phải luôn ý thức đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu, phải quyết liệt và đi tới cùng với bệnh lý của người bệnh, không trốn tránh, buông bỏ khi vẫn còn cơ hội.
Điều trị một bệnh nhân là điều trị tổng thể con người đó, chứ không chỉ một bệnh lý mà họ đang có. Tôi cũng thường nói với các bạn: "Con người có thể không chết đói, chết khát trên sa mạc nhưng cũng có thể chết đói và chết khát ngay trên giường bệnh của mình. Không chỉ mãi là phẫu thuật viên mà phải phấn đấu trở thành bác sĩ phẫu thuật; không mổ bằng bàn tay, bằng trái tim mà phải mổ bằng đầu. Với người bệnh không chỉ là phẫu thuật, thuốc, dinh dưỡng mà cân bằng nội môi thậm chí có tính chất quyết định đến thành công của việc điều trị".
Điều trị thành công bệnh lý rồi thì phải nghĩ tới điều trị phục hồi. Phục hồi ở đây không đơn giản chỉ là phục hồi chức năng mà còn cả chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Khi đã vào bệnh viện, người bệnh coi như đã gửi gắm sinh mệnh, đã trao hết niềm tin cho người thầy thuốc. Tinh thần, thái độ, hành vi, ngôn từ biểu cảm có ý nghĩa hết sức quan trọng với người bệnh, để người bệnh cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy vào bệnh viện là "Được điều trị" chứ không phải "Bị điều trị", bởi chính những điều này sẽ xây dựng lên hình ảnh - thương hiệu của mỗi người thầy thuốc, thầy giáo.
Tuổi trẻ cần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống
Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất với các học trò của mình?
- Cách đây mấy hôm, khi được ngồi nghe hai giám đốc của BVQY 175 và Viện Y học cổ truyền Quân đội cùng các cán bộ của 2 cơ quan hát tặng tôi bài "Bụi phấn", tôi vô cùng xúc động, thực sự thấy nghẹn lòng và cay mắt. Có lẽ đời người thầy giáo chẳng có món quà nào, phần thưởng nào có giá trị hơn thế.
60 năm tuổi đời và gần 30 năm tham gia công tác giảng dạy, từ đầu giường bệnh nhân lên giảng đường, từ bệnh viện ra các nhà trường, đơn vị, biết bao nhiêu thế hệ học sinh, biết bao nhiều khó khăn gian khổ nhưng cứ nói đến tình nghĩa "Thầy trò" thì tất cả lại tràn về với biết bao cung bậc cảm xúc. Thực sự tôi luôn cảm ơn họ, những thế hệ học trò ấy đã cho tôi những tinh thần, động lực, nguồn cảm hứng.
Chính vì vậy, tôi luôn xác định trách nhiệm của mình với các thế hệ trẻ. Những khó khăn, gian khổ đã trải qua thời học trò và bây giờ khi đã là người thầy, tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn có cơ hội học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Rất nhiều kỷ niệm đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn còn in hằn, lắng đọng mãi trong tôi. Từ ấm trà, miếng khô mà học trò gửi tặng, có bạn viết: "Thầy ơi! Con chẳng biết lấy gì để trả ơn thầy, nếu không có thầy không biết cuộc đời con sẽ trôi về đâu, con biết con còn phải phấn đấu nhiều lắm nhưng hôm nay là thành công ban đầu, cuộc đời con sẽ bước sang trang mới, quê con chỉ có đặc sản này con kính thầy như một lời tri ân". Hay có bạn từng nhắn cho tôi: "Bác ơi hôm nay là lần đầu tiên con được đi tàu điện ngầm, con không thể tưởng tượng được cuộc đời con mới ra trường hơn một năm lại được hưởng những cơ hội may mắn và nhanh chóng đến như vậy".
Có bạn thì viết thư chia sẻ: "Bác ơi, hôm nay con bàng hoàng và kinh ngạc lần đầu tiên đứng trong một phòng mổ vô cùng rộng lớn và hiện đại, với giáo sư nổi tiếng mà suốt thời gian trước đây chưa bao giờ con nghĩ tới, chúng con càng phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện học tập nhiều hơn nữa để không phụ tấm lòng, công ơn của bác và bệnh viện với chúng con".
Những dòng thư của các bạn làm tôi xúc động đến trào nước mắt. Có những bạn cuộc đời tưởng như bỏ đi, không thể sửa chữa nhưng tôi vẫn kiên trì, bền bỉ chỉ bảo, tạo cơ hội cho làm lại cuộc đời. Có những cán bộ của bệnh viện khi con tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài trở về ra mắt xúc động nói rằng: "Ngày xưa nếu nó không gặp bác, không được truyền lửa từ bác thì chắc chắn em đã không có nó ngày hôm nay". Có những nghiên cứu sinh biết bao lần bỏ cuộc vì nhiều lý do nhưng tôi vẫn động viên, khuyến khích, sau 10 năm đã bảo vệ thành công. Vấn đề là bản thân họ, mình chỉ có thể giúp chứ không thay được họ. Những con người mặc dù sai lầm nhưng có ý chí, năng lực và kiên trì thì chắc chắn sẽ thành công.
Vậy đâu là những điều mà ông muốn gửi gắm cho các thế hệ trẻ của bệnh viện?
- Có thể có người tin vào số phận nhưng nếu bạn có kiến thức, bạn có năng lực ứng xử thì bạn hoàn toàn có thể cải tạo được số phận của mình. Khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão từng ngày, không còn cách nào khác là bạn phải luôn tích cực cập nhật, ứng dụng, hòa nhập. Dừng lại tức là bạn đã lạc hậu, tụt lùi, thua cuộc. "Thành tựu" của bạn là gì? Đó là có nhiều bệnh nhân yêu quý, tin tưởng, biết ơn và tìm đến bạn; đó là có nhiều đồng nghiệp tôn trọng, tham vấn bạn. Bác sĩ không phải là con người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt. Đã xác định bước chân vào nghề y là các bạn phải sẵn sàng đón nhận và sẵn sàng chấp nhận sự khắc nghiệt trên con đường phấn đấu , rèn luyện để trở thành người thầy thuốc.
Các bạn đang sống và làm việc trong một môi trường hết sức thuận lợi, bệnh viện đang tạo những điều kiện tốt nhất để các bạn được dấn thân, thể hiện và tỏa sáng, biến giấc mơ, khát vọng của mình thành hiện thực. Gần 50% nhân viên bệnh viện đang ở độ tuổi trẻ, tương lai của bệnh viện sẽ là ở các bạn, các bạn sẽ là người quyết định biến bệnh viện thành ngôi nhà của chính mình, sống và làm việc trong một môi trường tốt nhất.
BVQY 175 sẽ phải trở thành Trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, có nhiều GS, PGS chuyên gia đầu ngành và kỹ thuật. BVQY 175 phải là một quần thể y học, sánh tầm quốc tế và khu vực để bất cứ một nhân viên nào của bệnh viện sẽ luôn tự hào nói với mọi người rằng "Tôi là nhân viên của Bệnh viện Quân y 175".
Ông có thể bật mí đôi chút kế hoạch trong tương lai?
- Trước hết tôi luôn cảm ơn các thế hệ đã đồng hành cùng tôi và tự hào với những gì các bạn đã và đang làm. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ trẻ và rất mong các bạn sẽ làm được nhiều kỳ tích. Còn tôi, thời điểm này chỉ mong có sức khỏe tốt để được tiếp tục đồng hành cùng các bạn, tiếp tục cuộc đời dạy học tức là đi học.